Phát biểu tại buổi sơ kết dự án xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn từ Ninh Bình – Nghệ An diễn ra ngày 8.9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, trong quá trình đấu thầu các nhà thầu cạnh tranh khốc liệt. Thế nhưng khi thi công, các nhà thầu lại có sự hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt trong giai đoạn cuối thi công 2 dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu có nhà thầu đã hỗ trợ nhà thầu khác gần 150 cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề. Đây là việc làm chưa từng có. Điều này thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường có nhiều mặt trái.
“Lịch sử sẽ không quên những người làm đường cao tốc Bắc – Nam”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ ra 5 khó khăn trong thi công cao tốc Bắc - Nam. Thứ nhất, dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai trong giai đoạn cả nước tập trung phòng chống đại dịch COVID-19, nhiều thời điểm giãn cách xã hội, không thể huy động nhân sự, vận chuyển máy móc vào công trường.
Thứ hai, dự án đi qua khu vực có địa hình, địa chất phức tạp, nền đất yếu đòi hỏi phải theo dõi, điều chỉnh kịp thời về thiết kế kỹ thuật để đảm bảo chất lượng.
Thứ ba, giá nhiên liệu, vật liệu có thời điểm tăng cao đột biến.
Thứ tư, phải kể đến là về việc khai thác, cung ứng nguồn vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là đất đắp nền đường.
Cuối cùng, thời tiết, khí hậu cực đoan, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ khiến nhiều thời điểm không thể thi công…
Tuy nhiên, với tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, các Ban Quản lý dự án đã tập trung giải quyết nhanh những thủ tục liên quan cho nhà thầu; nhanh nhạy, linh hoạt trong việc áp dụng mọi cơ chế giải ngân nhằm hỗ trợ, duy trì năng lực tài chính cho các nhà thầu tăng tốc thi công.
Bên cạnh đó, các Ban Quản lý dự án đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ từng khâu, từng thủ tục đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, sai phạm; kiểm soát nghiêm chất lượng thi công của nhà thầu.
Các đơn vị tư vấn cũng đã bám sát hiện trường, luôn có cán bộ thường trực giám sát chặt chẽ về quy trình, chất lượng thi công, đẩy nhanh nghiệm thu thanh toán, kịp thời xử lý ngay những điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật.
Các nhà thầu đã vượt qua những khó khăn chưa từng có như đã nêu trên, linh hoạt điều chỉnh tiến độ thi công, tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính… tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ, bù lại phần khối lượng bị chậm và thực hiện đúng với cam kết thi đua về tiến độ hoàn thành gói thầu, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ yêu cầu, tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng.
Trên công trường của các dự án cao tốc đi qua bắc miền Trung, hàng nghìn kỹ sư, công nhân đã vào cuộc ngày - đêm không ngơi nghỉ, vượt qua tất cả những sự khắc nghiệt của thời tiết và môi trường lao động, những sự nhớ nhung, xa cách người thân và gia đình kể cả trong những ngày lễ, tết đoàn viên.
Nắng đủ thì thi công bê tông nhựa, mưa nhiều chuyển sang làm cầu, cống, hộ lan, biển báo. Thời tiết có thể bất lợi nhưng sản lượng không thể không luỹ tiến. Tinh thần ấy, khí thế ấy, giải pháp linh hoạt ấy đã tạo nên đột phá ấn tượng tại các công trường.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến nay, đoạn đường bộ cao tốc từ Ninh Bình đến Nghệ An đã hoàn thành, nâng tổng chiều dài tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác trên cả nước lên 1.822km.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến vành đai vùng Thủ đô, thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long để phấn đấu đến cuối năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có 5.000km đường bộ cao tốc.