Cơ hội có việc tốt vẫn khó tuyển sinh
Số liệu được Bộ GDĐT vừa công bố trong Hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 cho thấy, 5 nhóm ngành có tỉ lệ tuyển sinh thấp chỉ từ 41% đến 65% chỉ tiêu như Khoa học tự nhiên; Nông lâm nghiệp và thuỷ sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đây lại là những ngành truyền thống trong kinh tế của Việt Nam và đang cần có một đội ngũ nhân lực chất lượng.
ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM - cho hay hiện nay trường này có những nhóm ngành xã hội rất cần, nhưng số người theo học rất ít như ngành Địa chất, Hải dương, Môi trường. Những ngành này liên quan tới biến đổi khí hậu ở Việt Nam hoặc trên thế giới.
"Học sinh không biết, không hiểu nên ít có người theo học. Ví dụ, đợt bão lũ tại Quảng Trị năm 2020 vừa qua, nếu có các nhà địa chất dự đoán trước tình hình sạt lở thì sẽ không có tai nạn thương tâm như vậy. Hay như việc xâm nhập mặn, phèn ở miền Tây thì những người học địa chất, hải dương, môi trường sẽ xử lý vấn đề này" - ông Quán nói.
Một ngành học khác cũng khó khăn trong tuyển sinh là Y tế công cộng. Theo Trường Đại học Y tế cộng đồng, trong đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy rõ vai trò, thiết yếu của y tế cộng đồng, tuy vậy, tỉ lệ nhập học so với chỉ tiêu ngành Y tế cộng đồng của trường chỉ chiếm khoảng 60-70%. Năm 2020, có 4 trường không tham gia tuyển sinh ngành này nữa vì những năm trước không tuyển sinh được.
Trong khi đó, cơ hội việc làm rất rộng mở khi cả nước có tới 63 trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ở các tỉnh thành, hơn 500 huyện lại đều có trung tâm y tế, hơn 1.000 các tổ chức phi chính phủ làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng và họ rất cần những nhân lực được đầu tư bài bản.
Tương tự, tại Trường Đại học Tài nguyên Môi trường, mỗi năm chỉ tiêu khoảng 200 chỉ tiêu cho ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và 250 chỉ tiêu cho ngành Quản lý tài nguyên. Nhưng hiện tại mỗi ngành đã giảm đi 100 chỉ tiêu.
Năm 2020, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng có một số ngành khó tuyển như Môi trường, Vật liệu, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Trường Đại học Nông lâm TPHCM phải xét tuyển bổ sung năm ngành học tại TPHCM, gồm: Khoa học môi trường, Công nghệ chế biến lâm sản, Lâm học, Lâm nghiệp đô thị, Quản lý tài nguyên rừng. Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM đã quyết định ngừng tuyển sinh 2 ngành Khoa học thủy sản và Công nghệ vật liệu.
Về cơ hội việc làm, ThS Phùng Quán cho biết: Học các ngành trên đang có cơ hội việc làm rất cao. Nhu cầu xã hội lúc nào cũng cần còn nhân lực thì lúc nào cũng thiếu. Học Khoa học môi trường thì sẽ làm việc về các vấn đề về quản lý môi trường, tài nguyên đất, khí, nước, hệ thống định vị, luật môi trường, quản lý đất đai. Công nghệ kỹ thuật môi trường thì đi sâu về xử lý nước thải, rác thải, khí thải…
Sinh viên ngành Địa chất cũng có cơ hội việc làm rộng, ví dụ muốn xây một toà nhà thì cần địa chất công trình kiểm tra nền móng, địa chất dầu khí để thăm dò dầu khí, địa chất về khoáng sản để tìm ra các tài nguyên mới, kiểm định các loại đá quý.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong 63 sở tài nguyên môi trường, mỗi tỉnh có rất nhiều phòng tài nguyên môi trường, các cơ quan ban ngành, công ty, doanh nghiệp thuộc hệ thống nhà nước và ngoài công lập.
"Cơ hội việc làm rất rộng mở, nếu sinh viên giỏi kiến thức lẫn cả ngoại ngữ sẽ có cơ hội làm việc tại các tập đoàn nước ngoài với mức lương “khủng”. Ví dụ, ở ngành Ngọc học, những bạn giỏi được các tập đoàn đá quý, kim cương tuyển dụng với mức lương cao" - ông Quán tiết lộ.
Chọn ngành còn nặng tính thực dụng
Phân tích về nguyên nhân của không ít ngành học có nhu cầu nhân lực nhưng không tuyển sinh được, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng, hiện nay có những thí sinh chọn ngành một cách khá thực dụng, đặt nặng giá trị kinh tế. Câu hỏi các chuyên gia tư vấn thường gặp được là nghề nghiệp này có dễ xin việc làm hay không, có thu nhập cao hay không, được làm việc ở thành phố hay không… Ít người chú ý tới nội dung, ý nghĩa và giá trị xã hội của nghề nghiệp cũng như sự phù hợp của nghề nghiệp với xu hướng, nguyện vọng, sở trường của bản thân. Nhiều học sinh chấp nhận từ bỏ lĩnh vực nghề nghiệp mà mình yêu thích để lựa chọn một ngành học khác để dễ xin được việc hơn, thu nhập cao hơn, công việc nhàn hơn.
Theo ông Cường, nhiều bạn học lớp 12 rồi nhưng cũng chưa tìm hiểu và quyết định lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp để theo đuổi. Tâm lý chọn nghề theo sự thành công của người thân, theo truyền thống gia đình cũng là một trong những sai lầm thường gặp. Còn có một dạng nữa là chọn nghề hời hợt, sơ sài theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” sẽ là nguyên nhân dẫn tới những thất bại nghề nghiệp sau này.
“Hiện công tác hướng nghiệp tại nhiều trường phổ thông còn thiếu thông tin, chưa chuẩn xác về tương lai công việc ở ngành học. Trong khi đó việc giới thiệu về ngành học tại các trường đại học, cao đẳng lại quá ít, thiếu thông tin nên dẫn tới nhiều người chọn sai ngành nghề so với năng lực của bản thân” - ông Cường cho hay.