Theo đó, công điện vào ngày 22.11 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã yêu cầu thủ trưởng các sở ban ngành triển khai quyết liệt đối phó bão.
Tiếp đó, công điện khẩn vào hồi 9h ngày 23.11, tiếp tục nêu rõ: Theo tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chiều tối 23.11, bão số 9 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực tỉnh Bình Thuận. Trong đó, huyện Phú Quý là địa bàn trọng điểm của tâm bão đổ bộ, khả năng gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản, công trình cơ sở hạ tầng, tính mạng của người dân và khách du lịch trên đảo Phú Quý là hiện hữu.
Các lực lượng chức năng đã và đang khẩn trương kiểm tra, bố trí neo đậu tàu thuyền, phương tiện vận tải, các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển đảm bảo chắc chắn, an toàn; không để người, thuyền viên ở lại trên tàu, lồng bè khi đã neo đậu, chằng buộc xong. Mọi công việc hoàn thành trước 12h ngày 23.11.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Thuận có trên 7.000 tàu bè. Thời điểm này trên biển chỉ còn 190 chiếc tàu với 1.269 lao động. Lực lượng biên phòng tỉnh Bình Thuận đã liên lạc hướng dẫn tàu bè vào khu neo đậu an toàn. Các ngư dân đã chấp hành nghiêm lệnh cấm biển chủ động đưa tàu cá vào bờ an toàn.
Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ di dời dân tại khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 9 là 37 điểm với trên 11.165 hộ dân tương đương 46.689 khẩu.