Cuối dãy nhà bỏ hoang của trại phong Sóc Sơn nằm trên một quả đồi nhỏ của làng Thanh Trí, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; cụ bà Liên dường như sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Ở nơi không một bóng người qua lại, ảm đạm và hoang tàn, bà quanh quẩn bên dàn mướt đang lụi dần và chiếc đài cũ, phủ đầy bụi thời gian.
Kể về cuộc đời mình, bà Liên bắt đầu rơi nước mắt. Năm 19 tuổi, bà bị mắc phong. Vào những năm đó, bệnh phong là một cái gì đó đáng sợ. “Người ta thì thầm thì thào nói với nhau về tôi, xa lánh tôi, thậm chí không ai dám đi qua ngõ nhà tôi. Ăn một miếng cơm mà chan nước mắt, bố mẹ không còn, không còn tình thương”.
Bà Liên được đưa lên trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh) điều trị. Từ đó, cụ trở thành người biệt xứ, không còn họ hàng thân thích. Năm 25 tuổi, hưởng ứng phong trào của trại phong, cụ kết hôn với một người đàn ông ở đó và sinh một cậu con trai.
Năm 2013, trại được di dời đi nơi khác, nơi đây đã không còn được trùng tu, tôn tạo về cơ sở vật chất cũng như không còn bóng dáng của một y, bác sĩ nào nữa nhưng bà Liên vẫn quyết tâm ở lại để lo hương khói cho người chồng đã khuất.
Hơn nửa đời người lưu lạc qua các trại phong, cuộc đời cụ Liên cứ thế trôi qua, không tương lai, không niềm vui, chỉ toàn thấy nỗi buồn. Khi cuối đời, cụ lặng lẽ sống ở Đá Bạc và luôn chuẩn bị sẵn tâm lý cho một chuyến đi xa.