Ca sốt xuất huyết tăng nhanh
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, Thủ đô ghi nhận 291 ca sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã. Tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó, hiện chưa ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết.
Thạch Thất là khu vực có nhiều ca sốt xuất huyết mới nhất trong tuần qua với 47 ca. Đây cũng là điểm nóng sốt xuất huyết trong thời gian qua của Hà Nội.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 1.114 ca sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 3,5 lần. Toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã đã ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, hiện đang điều trị cho các ca bệnh sốt xuất huyết, chủ yếu là bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Năm nay, sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm. Ngay từ đầu tháng 5, tháng 6, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã rải rác tiếp nhận bệnh nhân nhập viện.
Nói về lý do dịch bệnh sốt xuất huyết đến sớm và tăng nhanh, ông Cường lý giải: Do thời gian đầu của dịch, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do mắc COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác nên không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết.
Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, hoặc trên các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý nền, cơ địa phụ nữ có thai thì mới đến viện.
Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân sốt xuất huyết không giới hạn độ tuổi. Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu thì thì cần làm xét nghiệm máu.
Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450 G/L. Khi sốt xuất huyết, xét nghiệm công thức máu sẽ thấy số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu giảm và hematocrit tăng (máu cô đặc). Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L.
"Nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh, rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, tràn dịch màng bụng, màng phổi khi đó cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời” - ông Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.
Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra phòng, chống dịch
Theo nhận định của CDC Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển. Hiện nay, số ca mắc đang tăng theo tuần, có thể ghi nhận bệnh nhân nặng và tử vong so với năm 2022.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, ngay từ đầu mùa, CDC Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch.
Những ngày này, việc kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn được CDC Hà Nội và các đơn vị triển khai quyết liệt. Các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy cũng khẩn trương được triển khai.
Đồng thời, tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát dịch tễ, véc tơ truyền bệnh để phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý ổ dịch, ca bệnh tại cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại cơ sở.
Cùng với đó, CDC Hà Nội cũng yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và ngành y tế nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch.