Ngày 7.2, đã là 26 Tết âm lịch nhưng với anh Nguyễn Văn Hải (quê xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) - một tài xế xe ôm công nghệ chưa khi nào anh cảm thấy ảm đạm, vắng khách như năm nay.
Theo lời anh Hải, sau khi dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến mới, người dân đã hạn chế ra đường. Bên cạnh đó, đa số sinh viên, người lao động cũng về quê sớm và lựa chọn hình thức đi xe cá nhân. Vì lẽ đó, dịch vụ xe ôm công nghệ rơi vào cảnh "ế ẩm".
“Mọi năm vào những ngày giáp Tết như thế này, tôi làm việc không nghỉ, ngày kiếm được hơn 1 triệu đồng. Những năm nay vắng lắm, đông cũng chỉ được ngày 400.000 - 500.000 đồng, còn không thì cứ 200.000 đồng/ngày”.
Theo tài xế quê Phú Thọ, do lựa chọn phương tiện của người dân có sự thay đổi nên anh phải xoay sở thêm nhiều cách khác như ship đồ ăn, chở thuê đào quất cho khách nhằm kiếm thêm thu nhập bù lại.
Cùng cảnh ngộ với anh Hải, chị Đỗ Thị Mơ (quê Kim Thành, Hải Dương) chia sẻ, do vấn đề dịch bệnh ở quê nhà nên có thể năm nay chị sẽ ăn Tết thủ đô, chấp nhận chạy xuyên Tết để kiếm "được đồng nào hay đồng ấy".
Túc trực ở khu vực bến xe Mỹ Đình nhưng những ngày này theo chị Mơ, khách đi xe ôm không được bao nhiêu, ngay cả trong bến xe cũng không nhộn nhịp như mọi năm khi các nhà xe chạy cầm chừng cả số lượt xe lẫn lượng khách chở.
Trước đó, chị Mơ cũng chạy xe ôm công nghệ khoảng 10 tiếng/ngày, trung bình sẽ được khoảng 20 – 30 chuyến, thu nhập ổn định hơn bây giờ rất nhiều.
“Nhiều bạn bè tôi chạy xe thấy thu nhập giảm nên cũng về quê dần rồi, tôi bất đắc dĩ nên mới phải ở lại. Dịch bệnh nên người dân hạn chế đi lại để an toàn, thế nhưng cũng ảnh hưởng đến thu nhập, mỗi ngày giờ chỉ được tầm chục chuyến" - chị Mơ tâm sự.
Trong khi đó, một tài xế khác là anh Vũ Thái Minh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết chỉ tập trung vào dịch vụ giao nhận đồ ăn. Theo tài xế này chia sẻ, dịch vụ giao đồ ăn vẫn được người dân lựa chọn nhằm hạn chế tối đa thời gian ra ngoài, tụ tập do dịch bệnh. Thời điểm này nằm ngoái, nhờ chăm chỉ ship đồ ăn nên anh Minh cũng có thu nhập bù lại cho việc khách không đi lại nhiều.
Năm nay, trung bình mỗi ngày anh Minh nhận được khoảng 20 đơn, thu nhập vào khoảng 300.000 – 400.000 đồng/ngày.
“Thời điểm này còn có việc để làm, có thu nhập là tốt rồi. Mặc dù giảm hơn mọi năm nhưng mình siêng chạy cũng đỡ đi phần nào. Tranh thủ mấy ngày gần Tết chạy là được nhiều đó" - anh Minh chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều hãng xe công nghệ vẫn duy trì hoạt động của dịch vụ. Để đảm bảo an toàn cho tài xế đối tác và khách hàng, các ứng dụng này liên tục đưa ra những khuyến nghị, cảnh báo đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay và giao hàng không tiếp xúc.
Đáng chú ý, trong dịp Tết này, một số hãng cũng có những chính sách hỗ trợ tài xế làm thêm để tạo thêm động lực làm việc. Cụ thể như tăng mức phụ phí cho mỗi chuyến xe thêm từ 5.000 - 15.000 đồng; bổ sung chính sách thưởng theo % số chuyến trong ngày hay tăng thêm thu nhập cho tài xế trong các ngày Tết hoặc giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, nhiều hãng cũng cho phép tài xế có thể chuyển vùng hoạt động một cách tự động. Tính năng này giúp tài xế có thể tiếp tục làm việc ở bất kỳ tỉnh thành nào mà hãng đó triển khai dịch vụ, đồng thời, không bị gián đoạn thu nhập trong thời gian Tết nguyên đán.