Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị TP, chủ tịch UBND các quận-huyện, phường-xã-thị trấn tập trung triển khai ngay phương án phòng, chống tại mỗi đơn vị, nhằm chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão và ảnh hưởng đến TPHCM.
UBND TP giao Bộ chỉ huy biên phòng TP chủ trì, phối hợp với UBND huyện Cần Giờ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy thủy sản trên địa bàn TP.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của hai cơn áp thấp nhiệt đới, bằng mọi biện pháp sử dụng tất cả các phương tiện thông tin và truyền thông để thông báo cho các chủ phương tiện biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển, diễn biến của áp thấp nhệt đới và kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Khu vực nguy hiểm của cơn áp thấp nhiệt đới gần bờ trong 24 giờ tới được xác định từ 5 đến 10 độ Vĩ Bắc, 103,5 đến 110,0 độ Kinh Đông; khu vực nguy hiểm của cơn áp thấp nhiệt đới gần biển Đông trong 24 giờ tới được xác định từ 10 đến 14 độ Vĩ Bắc, phía Đông 115,0 độ Kinh Đông.
Tùy theo diễn biến của cơn áp thấp nhiệt đới gần biển Đông, UBND TP giao Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP quyết định thông báo cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản, đò ngang, đò dọc, tàu cánh ngầm,…
Do áp thấp nhiệt đới có vĩ độ thấp nên dự báo sẽ gây mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to (tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-200mm, có nơi cao hơn 200mm) ở khu vực Nam Bộ. Đồng thời, hiện nay mực nước triều trên sông Đồng Nai - Sài Gòn đang lên cao, có khả năng mực nước triều tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn sẽ vượt báo động 3 - 1,5m.
Vì vậy, để chủ động phòng tránh tổ hợp bất lợi (áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kết hợp triều cường), giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra, UBND TPHCM chỉ đạo khu vực có bờ bao, đê ven sông như: Q.Thủ Đức, 12, Bình Chánh, Bình Thạnh, Gò Vấp, Củ Chi và Hóc Môn rà soát lại các khu vực trọng điểm, vào thời điểm mưa lớn và triều cường dâng cao. Chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị kinh phí, vật tư, lực lượng túc trực tại những vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ đê để xử lý kịp thời.
Đặc biệt, khu vực có nguy cơ sạt lở cao như huyện Cần Giờ, Nhà Bè - Bình Chánh, Thủ Đức tổ chức lực lượng, sẵn sàng phương tiện để chủ động sơ tán, di dời dân đến các địa điểm tạm cư kiên cố.