Giảm ùn tắc tại cửa ngõ phía Đông
Khởi công năm 2017, tuyến song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài gần 4km được triển khai theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn gần 900 tỉ đồng. Công trình dự kiến xong sau 24 tháng, giúp giảm giúp áp lực giao thông nút giao An Phú và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án phục vụ tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, dự án vướng mặt bằng cùng thủ tục thanh toán phải lùi tiến độ.
Sau 6 năm triển khai, gần 4km đường song hành, đoạn từ đường Nguyễn Thị Định đến Đỗ Xuân Hợp đã hoàn thành và thông xe ngày 17.9. Tuyến đường rộng 20m, 4 làn xe với hai cầu Bà Dạt, Mương Kênh, cùng hệ thống vỉa hè, chiếu sáng, thoát nước đồng bộ.
Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM - cho biết, việc thông xe tuyến đường song hành góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông cửa ngõ phía Đông TPHCM.
Cụ thể, tuyến đường song hành này giúp giảm tải cho đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, lưu thông thông suốt với các tuyến đường lân cận như Nguyễn Thị Định, Đỗ Xuân Hợp, Mai Chí Thọ. Tuyến đường cũng hỗ trợ tổ chức giao thông, giúp nhà thầu thuận lợi thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nút giao An Phú.
Đối với đoạn song hành còn lại từ đường Đỗ Xuân Hợp đến Vành đai 2 TPHCM dài gần 700m chưa thi công, lãnh đạo Sở GTVT TPHCM đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành công tác điều chỉnh dự án đầu tư, tháo gỡ vướng mắc. Từ đó, sớm bàn giao mặt bằng để hoàn thành thủ tục, triển khai hoàn thành và thông xe toàn tuyến trong năm 2024.
Tăng tốc loạt công trình trọng điểm
Dự án nút giao An Phú đang rất được kỳ vọng bởi kết nối trực tiếp cao tốc và các trục giao thông huyết mạch cửa ngõ phía Đông TPHCM. Công trình khởi công cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng, quy mô ba tầng gồm: hầm chui hai chiều nối cao tốc qua đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Mặt đất xây đảo, tiểu đảo; trên cao làm hai cầu vượt.
Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TPHCM (chủ đầu tư) dự án đang triển khai thi công trụ cầu Bà Dạt, cầu Giồng Tố và các đốt hầm phía cầu Bà Dạt. Riêng các đốt hầm trên đường Mai Chí Thọ đang chờ phần mở rộng làn đường hiện hữu để thi công cọc khoan nhồi. “Nút giao dự kiến hoàn thành năm 2025, giúp giảm ùn tắc cho khu vực” - ông Phúc nói.
Trong khi đó, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường Cao tốc Việt Nam (VEC) đang huy động nguồn lực để mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Trước đó, hồi tháng 10.2022, VEC đề xuất tự bố trí 14.700 tỉ đồng mở rộng đoạn từ nút giao Vành đai 2 TPHCM đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 21,9km. Trong đó, từ nút giao Vành đai 2 đến Vành đai 3 mở rộng lên 8 làn xe; từ Vành đai 3 đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lên 10 làn xe.
Tổng mức đầu tư sơ bộ là 14.780 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), trong đó chi phí xây dựng gần 10.800 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng gần 800 tỉ đồng, quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác hơn 1.000 tỉ đồng, dự phòng hơn 2.100 tỉ đồng.
Ngoài ra, đoạn đường dẫn cao tốc dài gần 4km, từ nút giao An Phú đến Vành đai 2, hiện có 4 làn xe sẽ mở rộng lên 8 làn xe với tổng vốn khoảng 1.123 tỉ đồng. Đoạn này đang được Sở GTVT TPHCM xem xét đề xuất đầu tư theo hình thức BT trả chậm bằng ngân sách theo cơ chế trong Nghị quyết 98 của Quốc hội.