Các chuyên gia cho rằng, giải pháp đầu tiên là cải thiện số lượng và chất lượng dịch vụ giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân.
Nâng cao chất lượng giao thông công cộng
Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, nguyên nhân ùn tắc là do nhiều điểm có mặt cắt ngang đường hẹp, lưu lượng tham gia giao thông lớn như khu vực phía Bắc cầu Chương Dương, nút giao cầu 361 - đường Nguyễn Khang, cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn, điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu. Nhiều điểm khác ùn tắc do phải rào chắn thi công công trình giao thông trọng điểm như tại khu vực phố Đào Tấn - Nguyễn Văn Ngọc, nút giao Minh Khai - cầu Mai Động, nút giao Kim Mã - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh…
Các chuyên gia giao thông nhận định, hằng năm Hà Nội đề ra mục tiêu xoá từ 8 đến 10 điểm đen ùn tắc giao thông và giảm từ 5%-10% tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn. Trên cơ sở khảo sát của liên ngành Công an và Sở GTVT và đề xuất của các quận chọn những điểm nguy cơ nhất thì làm trước. Từ đầu năm 2021 đến nay đã xoá được ùn tắc tại nút giao Cổ Linh, khi đưa cầu vượt Cổ Linh đi vào khai thác. Do đó, phải quy hoạch lại mạng lưới giao thông nội đô, phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe máy. Cải thiện số lượng và chất lượng dịch vụ xe buýt trong định hướng phát triển giao thông công cộng. Bởi, chừng nào giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì chừng ấy người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông chưa thể giảm.
Hiện hệ thống xe buýt đã được đầu tư, mở tuyến nhưng hạ tầng (hệ thống nhà chờ, điểm dừng đỗ) chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Do đó, phải xác định rõ giao thông công cộng chính là chìa khóa để giải bài toán ùn tắc giao thông. Thực tế trong giao thông Hà Nội hiện nay, xe máy là tác nhân gây ùn tắc giao thông nhưng đang được thả nổi trong đi lại, trong khi đó người dân đang phải đi bộ khá xa mới đến điểm đón khách của xe buýt.
Khi vận tải công cộng đã phát triển đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân vẫn cần phải có thêm các giải pháp đồng bộ khác đi kèm, như vậy mới có thể cải thiện ùn tắc, tiến tới giảm ùn tắc giao thông một cách bền vững. Xây cầu vượt, làm đường trên cao để tăng diện tích cho giao thông là cần thiết, cấp bách nhưng không thể làm nhanh được vì nhiều lý do (mặt bằng, thi công, vốn đầu tư lớn). Do đó, cần ưu tiên xây thêm các cầu vượt tại những nút giao thông trọng điểm về ùn tắc giao thông.
Phải tìm nguyên nhân mới có giải pháp
Để hạn chế ùn tắc, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với Phòng CSGT (Công an TP.Hà Nội) triển khai các giải pháp như: Cải tạo hạ tầng; tổ chức lại giao thông; tăng cường lực lượng chức năng điều tiết, phân luồng giao thông; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Phấn đấu trong năm 2021 giải quyết dứt điểm 10 điểm ùn tắc. Trong đó, đặc biệt tập trung theo dõi và xử lý các điểm “nóng”, như: Nút giao Phùng Chí Kiên - Hoàng Quốc Việt, nút giao cầu 361 - đường Nguyễn Khang, điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu, lối lên đường Vành đai 3 đoạn nút giao BigC, nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ, Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên cán bộ Đội CSGT số 1 - Công an TP.Hà Nội cho biết, thực ra phải hiểu như thế nào là điểm đen giao thông và điểm đen thì có những loại điểm đen nào.
Theo ông Quỹ, điểm đen giao thông có hai loại một là điểm đen về tai nạn giao thông, hai là điểm đen về ùn tắc giao thông. Như vậy, nếu muốn xóa điểm đen thì cần phải xác định được nguyên nhân dẫn đến điểm đen đó. Khi xác định được nguyên nhân thì chúng ta có phương pháp để giải mã những điểm đen đó một cách triệt để.
Theo ông Quỹ, thực tế có một số nơi xảy ra điểm đen về ùn tắc, tai nạn giao thông đó là do bố trí đèn tín hiệu chưa phù hợp. Ví dụ nếu phương tiện đông đúc mà cho đèn xanh 15s đến 20s thì làm sao mà người ta thoát ra được.
Ngoài ra cần phải đánh giá rõ việc nếu điểm đen gây ùn tắc thì tắc giờ nào, phân tích kỹ. Nếu thường xảy ra vụ tai nạn thì những vụ tai nạn đó có sự trùng hợp gì, có gì đáng phải bàn không… Từ đó mới đưa ra được phương pháp để xóa ùn tắc. “Chúng ta không thể nói xóa là xóa được trong ngày một ngày hai, mà phải có lộ trình, phương pháp đánh giá cụ thể”, ông Quỹ nói thêm.
Để không còn điểm đen giao thông thì cơ quan chức năng cũng phải thường xuyên kiểm tra, nắm chắc địa bàn ngoài việc đề xuất thành phố phương án thuê hạ tầng công nghệ thông tin để quản lý các điểm trông giữ phương tiện, Sở GTVT Hà Nội đang thực hiện nhóm giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông...