Hàng không, ngành kinh tế mũi nhọn
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường tăng trưởng mạnh thứ 5 trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa vận chuyển. Cùng với đó, lượng hành khách nội địa cũng đang tăng nhanh và dự kiến đạt mức trung bình 15%/năm trong thời gian tới.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, thị trường hàng không Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển. Các chuyên gia dự đoán, đến năm 2050, ngành này sẽ đóng góp 23 tỉ USD vào GDP của Việt Nam. Đây sẽ là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn cần có chiến lược phát lâu dài, bền vững.
Theo ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Fulbright khẳng định cho biết ngành hàng không đã tăng trưởng cao trong thời gian qua, nhờ có sự tham gia của các DN tư nhân, giúp lĩnh vực này phát triển mạnh hơn. Đáng chú ý, việc phát huy vai trò của tư nhân, ví dụ kế hoạch của Bamboo Airways, hay sự ra đời của Vietstar Airlines hoặc cả một liên doanh với AirAsia là kịch bản tốt cho sự cạnh tranh phát triển ngành hàng không.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho hay, từ trước đến nay, hàng không và du lịch đều cần đến nhau để phát triển và ngành hàng không Việt Nam đang đầy tiềm năng phát triển. Bởi theo quy hoạch trước đây, đến năm 2020, Việt Nam mới đạt 10,5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng trên thực tế đến năm 2017 đã đạt 13 triệu lượt; dự báo 2020 sẽ đạt 21 triệu lượt.
Ngành hàng không đang tăng trưởng “nóng”
Chuyên giá kinh tế Ngô Trí Long nhận định thị trường hàng không Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển. Hiện tại, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3 về dân số nhưng lại chỉ đứng thứ 5 về vận tải nội địa trong khu vực, với lượng ghế cung ứng trung bình mới chỉ đạt 5,4 người dân/ghế.
Chia sẻ về chiến lược đầu tư đối với ngành hàng không, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho rằng khi thị trường đã bị chiếm lĩnh bởi những đối thủ sừng sỏ, chỉ có sự khác biệt mới có thể tạo nên cơ hội, và với Bamboo Airways, cơ hội đến từ sự chuẩn bị đã diễn ra trong 4 năm, và đặc biệt quyết liệt trong hai năm trở lại đây.
“Đặc biệt về cơ sở hạ tầng du lịch, đến năm 2019 - 2020, FLC dự kiến có khoảng 20 dự án quần thể nghỉ dưỡng - là điều mà không hãng hàng không nào có được. Những quần thể đang vận hành của chúng tôi đã mang lại hiệu quả cho rất nhiều hãng hàng không thì không có lý do gì lại không mang đến hiệu quả khi chúng tôi tự khai thác”, ông nói.
“Một số hãng hàng không chết yểu vì chỉ bay từ 1-3 máy bay, còn Bamboo Airways thì bay luôn 20 chiếc trong 2018. Chúng tôi không làm từ nhỏ cho đến lớn. Khi bước vào lĩnh vực mới, chúng tôi chuẩn bị chu đáo và đã bay là bay mấy chục chiếc. Đến 2019 chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung thêm 20-30 máy bay nữa, để du khách cũng như người dân không bao giờ gặp tình trạng không có vé”, ông Quyết khẳng định.
Ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, hãng có sự phối hợp của đội ngũ những người có kinh nghiệm trên dưới 30 năm, các chuyên gia nước ngoài từng làm việc 20-30 năm tại các hãng hàng không lớn của thế giới. “Với phi công, chúng tôi đưa ra mức đãi ngộ hấp dẫn, thù lao thuộc hàng cao nhất Việt Nam hiện nay. Những người trong đội ngũ quản lý, điều hành cũng có nhiều kinh nghiệm, được tuyển chọn kỹ càng. Về kỹ thuật, nhiều chuyên gia kỹ thuật không dễ chuyển việc, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị từ rất lâu, và có đầy đủ bộ máy”, ông Thắng cho biết.