“Chặt chém” ở đây là 2 chữ trong dấu ngoặc kép, để muốn nói lên tình trạng giá cả tại các quán ăn, nhà hàng trong mùa du lịch bị đẩy lên rất cao so với giá trị thực để moi tiền du khách; là nỗi ám ảnh của du khách - như cách nói ví von rằng, "9 tháng mài dao 3 tháng chém".
“3 tháng chém” ở đây là 3 tháng thời tiết thuận lợi, du lịch phát triển, bởi đặc điểm của dải đất miền Trung thời tiết mưa bão nhiều, nên du lịch chỉ mang tính thời vụ và dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 là khởi đầu của “3 tháng” trên.
Hơn 2 năm qua, từ “chặt chém” không được nhắc đến, đơn giản là bởi vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên du lịch bị đóng băng, vì vậy, chuyện tương tự gây xôn xao dư luận trước kia như nửa con gà giá 600.000 đồng ở Sầm Sơn; con cua khi mua nặng 1,2kg khi luộc chỉ còn 400g tại Vũng Tàu… đã không xảy ra.
Từ “chặt chém” dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay chỉ được nhắc đến khi trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng tố quán hải sản Cô Sương ở Khánh Hoà “chặt chém” với hóa đơn tính tiền 42,5 triệu đồng cho nhiều món hải sản tươi sống.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng địa phương cho thấy, người tung tin vụ việc lên mạng xã hội là một người khác, không phải là người tính tiền và phản ánh “chặt chém” trên mạng xã hội là sai sự thật.
Cũng có nghĩa là, rất vui vì nạn “chặt chém” chưa… hồi sinh.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ rõ, tình trạng "chặt chém" du khách, taxi "dù", lừa đảo, chèn ép du khách, mất an ninh trật tự dù chỉ là cá biệt, nhưng đã làm xấu đi hình ảnh đất nước Việt Nam xinh đẹp trong lòng du khách. Đồng thời yêu cầu các ngành chức năng xử nghiêm những vấn nạn trên và chỉ đạo đừng để "chặt chém" trở thành "thương hiệu" ở các địa phương.
Bắt đầu hồi sinh sau thời gian dài “đóng băng” vì COVID-19, dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay là “phép thử” cho ngành du lịch Việt Nam nói chung. Trước lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký công điện của Thủ tướng về việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5. Trong đó, yêu cầu tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh du lịch…
Để bảo vệ hình ảnh du lịch địa phương, năm nay, chính quyền và lực lượng chức năng đã có rất nhiều biện pháp để đảm bảo quyền lợi cho du khách. Để không xảy ra nạn “chặt chém”, các địa phương đã công bố các đường dây nóng để cân đối chứng, tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền… và tất cả đã phát huy được hiệu quả.
Trong thời đại số, chuyện “chặt chém” sẽ nhanh chóng bị phơi bày và chắc chắn sẽ bị xử lý, nhưng hậu quả là hình ảnh du lịch địa phương nói riêng và hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, phải chấm dứt nạn “chặt chém” để tạo dựng một nền du lịch văn minh.
Kinh doanh du lịch nhưng hãy kiếm tiền một cách văn minh chứ không kiếm tiền từ “chặt chém” du khách.
Đừng theo cách kiếm tiền “ăn xổi”, chụp giật mà kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch nước nhà. Để du lịch phát triển, phải thực hiện được như lời Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói, đó là mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch.
Và hơn ai hết, mỗi một chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ hình ảnh du lịch, bảo vệ hình ảnh con người Việt Nam, trong đó có cả những du khách chứ không riêng gì người dân địa phương hay chủ các quán ăn, nhà hàng trong mỗi chuyến đi chơi.
Tất cả hãy chung tay đừng để nạn "chặt chém" hồi sinh!