Tết là dịp đoàn viên, gặp gỡ với người thân trong gia đình, bạn bè sau một năm đi làm việc, học tập xa quê. Đáng lẽ đó là quãng thời gian xả hơi, nhưng thực tế lại là, đối với không ít người, đây lại là quãng thời gian dù có nhiều niềm vui nhưng cũng có không ít sự khó chịu, không thoải mái.
Chị Trần Thị H (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đang làm nhân viên tại một công ty trong khu công nghiệp. Mỗi dịp nghỉ Tết, chị H sợ nhất là việc tổ chức ăn uống quá nhiều. “Cứ mỗi khi khách là họ hàng đến chúc Tết là chủ nhà sẽ mời cơm, cũng vì lịch sự, khách sẽ đồng ý. Ngày Tết, khách không ăn nhiều, nhưng các món vẫn phải chuẩn bị đầy đủ nên người ở nhà phải nấu nướng nhiều” – chị H chia sẻ.
Như vậy, một ngày Tết, ngoài 3 bữa chính thì còn một số bữa khác nữa nếu khách đến. Ăn uống, nấu nướng nhiều đồng nghĩa với việc chị H phải đi chợ nhiều lần, mua nhiều đồ và phải rửa bát nhiều hơn. Theo chị H, những ngày Tết chị cảm thấy mệt hơn là khi đi làm tại công ty.
“Không phải tôi lười biếng, không muốn làm việc nhà, nhưng ăn uống quá nhiều khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, áp lực. Tôi chỉ mong mấy ngày Tết được nghỉ ngơi, xả hơi hoàn toàn để lấy lại năng lượng, chuẩn bị làm việc đầu năm mới” – chị H tâm sự.
Anh N.H.Q (quê Thái Bình) lại sợ Tết ở khía cạnh khác. Mới ra trường, công việc chưa ổn định, thu nhập của anh chỉ đủ để trang trải cuộc sống độc thân nơi Hà Nội đắt đỏ.
“Tôi là người trẻ, quan niệm thu nhập là thông tin cá nhân, nên không muốn chia sẻ đối với người khác. Thế nhưng ở quê, nhiều người, có thể là do vô tình, thói quen, rất hay hỏi “xoáy” về thu nhập của tôi. Những lúc đó, tôi không biết trả lời thế nào, chỉ biết cười bỏ qua hoặc nói chung chung là lương đủ sống. Thực sự tôi không thấy thoải mái chút nào khi bị hỏi về những thông tin cá nhân như vậy” – anh Q chia sẻ.
Câu chuyện đối với anh B.V.H thì khác. Anh sinh 2 con gái. Anh không phân biệt con trai, con gái, mà việc sinh đẻ như thế nào tuỳ thuộc vào nhiều điều kiện để nuôi dạy con được tốt nhất. Thế nhưng, khi về quê, anh rất hay bị hỏi khi nào thì đẻ tiếp hoặc nhận những lời khuyên nên đẻ tiếp; rồi nhiệt tình chỉ cách để có thể có con trai.
Không chỉ vậy, 2 con gái của anh rất hay bị những lời vô tình trêu đùa, như sắp tới bố mẹ đẻ con trai thì 2 đứa ra rìa… Vợ anh cũng không thoát, khi nhiều người thân luôn có những lời lẽ ám chỉ vợ chồng anh cần đẻ tiếp để có con trai…
Tết Âm lịch là một dịp nghỉ lễ rất ý nghĩa đối với những người xa quê, nhưng bên cạnh những phong tục đẹp, cần thay đổi những vấn đề khá “tế nhị” như trên để ai cũng được thoải mái, vui vẻ trong những ngày nghỉ Tết, không phải chịu cảnh “khó nói” hoặc “sợ Tết”.