Theo thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, khoa Cấp cứu BV Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận 23 trường hợp bệnh nhân nhập viện cấp cứu do ngộ độc thuốc diệt cỏ.
"Trong số họ có một phụ nữ mang thai 7 tháng tuổi đã uống loại thuốc độc này tự tử, khi đến viện thai phụ đã ở trong tình trạng quá nặng không thể cứu chữa được. Cả hai mẹ con tử vong sau đó. Cũng trong số những nạn nhân thương tâm đó, có cháu bé 11 tuổi tử vong ngay sau khi đến viện do uống quá nhiều thuốc cỏ cháy Paraquat"- Ths.Bs Vũ Trung Kiên- Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí chia sẻ.
Ngoài ra, các khoa Hồi sức cấp cứu chống độc tại các BVĐK của một số tỉnh cũng tiếp nhận rất nhiều trường hợp cấp cứu.
Tại BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc, các bác sĩ ghi nhận, số lượng bệnh nhân đến khoa Cấp cứu của BV vì ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy - Paraquat có dấu hiệu tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, con số này đã tăng 131% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, chỉ trong tháng 9.2018, khoa Cấp cứu đã tiếp nhận 6 trường hợp ngộ độc do thuốc diệt cỏ cháy Paraquat.
Mới đây, bệnh nhân 29 tuổi nhập khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc vì uống một chai thuốc diệt cỏ cháy paraquat. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, thanh niên này bị ảo giác cho là ma xui quỷ khiến nên đã uống một lượng lớn thuốc diệt cỏ. Mặc dù điều trị tích cực và lọc máu nhưng tình trạng người bệnh vô cùng nặng nề. Sau đó gia đình người bệnh đã xin cho người bệnh về nhà để lo hậu sự.
Trước đó, các bác sĩ của BV này cũng tiếp nhận 2 trường hợp ngộ độc paraquat. Do mục đích tự tử nên người bệnh đã uống liền 2 chai thuốc trừ cỏ (tương đương 100ml). Mặc dù phát hiện sớm và được cấp cứu tích cực nhưng bệnh nhân khó qua khỏi do lượng thuốc diệt cỏ uống vào quá lớn.
Theo PGS. TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, đối với những trường hợp uống Paraquat cơ hội được cứu sống rất ít, hiện nay tỉ lệ tử vong khi uống loại thuốc này lên tới 70%.
Sau khi bệnh nhân uống thuốc Paraquat, hầu hết các độc chất của thuốc sẽ ngấm hết vào các bộ phận như: Phổi, thận và gây bệnh tại các bộ phận đó, tiếp tục sau đó sẽ đến gan. Có những bệnh nhân khi đến bệnh viện hết sức tỉnh táo, thậm chí sinh hoạt như người bình thường gần khoảng 1 tuần, rồi sau đó đến ngày thứ 7 mới có biểu hiện suy huy hấp, khó thở, oxi trong máu cũng giảm dần.
Do vậy, nhiều bệnh nhân rất chủ quan, sau khi đến bệnh viện huyện hoặc trạm xá được rửa dạ dày, thấy trong người khỏe khoắn nên đã dứt khoát xin về. Nhưng chỉ vài ba ngày sau khi triệu chứng nặng lên, lại đi tìm tới các bệnh viện lớn để chữa trị. Lúc đó tình trạng bệnh đã không còn cứu chữa được. Tỉ lệ cứu được hiện nay rất thấp, chỉ cứu được từ khoảng 20% - 30%.