Tỷ lệ tử vong của nó đứng thứ 3 trong các bệnh không lây nhiễm. Vì vậy, chủ động phòng Đái tháo đường làm giảm tỷ lệ mắc mới, giảm và chậm quá trình biến chứng, tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
GS.TS.Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết đái tháo đường Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, căn bệnh đái tháo đường đã và đang gia tăng trên toàn cầu.
"Tại Việt Nam, theo ước tính của Bộ Y tế, đối với người tuổi từ 20-79, bệnh đái tháo đường sẽ tăng khoảng 78,5% trong giai đoạn 2017- 2045 (từ 3,53 triệu người mắc đái tháo đường năm 2017 tăng lên 6,3 triệu người mắc năm 2045). Đây là con số đáng báo động"- GS Dàng nói.
Theo ông, người dân cần bổ sung kiến thức về đái tháo đường, vì bệnh chỉ có thể được quản lý một cách thích hợp nếu chính người bệnh hiểu được họ cần phải làm gì. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho mọi người là vô cùng quan trọng.
TS.Kidong Park - đại diện WHO tại Việt Nam cảnh báo về sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh giết người thầm lặng này ở phạm vi toàn cầu, trở thành một trong những thách thức lớn đối với ngành y tế và sự phát triển của các quốc gia trong thế kỷ 21.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, hưởng ứng Ngày phòng, chống Đái tháo đường thế giới năm 2020 (14.11), Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện các chương trình mít tinh, khám sàng lọc đái tháo đường, cung cấp các tờ rơi… nhằm mục đích cung cấp các thông tin, nâng cao hiểu biết cho người dân kiến thức về phòng căn bệnh này.
Đồng thời khuyến khích lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý; tổ chức sàng lọc những người có yếu tố nguy cơ, tư vấn y tế cho những người có đường huyết cao, giáo dục cho các bệnh nhân về bệnh có diễn biến thầm lặng nhưng lại hết sức nguy hiểm này.