Bệnh viện có biên chế 63 thành viên là các bác sỹ, điều dưỡng, sĩ quan quân sự, hậu cần kỹ thuật đến từ Bệnh viện Quân y 103 – Học viện Quân y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 354 và Bệnh viện Quân y 105 (Tổng cục Hậu cần) và các đơn vị thuộc Quân khu 2.
Nhận nhiệm vụ từ cuối tháng 11.2019 tại địa bàn Bentiu trong Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan (UNMISS), sau 3 tháng triển khai, bệnh viện đã khám và điều trị cho 525 lượt bệnh nhân, trong đó khám và điều trị ngoại trú 513 bệnh nhân, điều trị nội trú 12 bệnh nhân, thực hiện vận chuyển y tế đường không 3 trường hợp lên bệnh viện cấp 3.
Tự chúc mừng nhau trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Nói về những hoạt động đầu tiên của bệnh viện dã chiến 2.2, Trung tá Võ Văn Hiển – Giám đốc Bệnh viện Dã chiến 2.2 cho hay lúc mới sang, trong các ngày từ 9-12.12.2019, cán bộ nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Bentiu đã tham gia chương trình tập huấn do các giảng viên là các chuyên gia, các trưởng bộ phận của các cơ quan ở Phái bộ UNMISS đảm nhiệm.
Qua khóa học, các cán bộ nhân viên bệnh viện đã nắm được các nội dung về sứ mệnh và nhiệm vụ của Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan (UNMISS), cơ cấu tổ chức và hoạt động của Phân khu tiền phương Sector North, các hoạt động điều phối Dân sự và Quân sự; tình hình an ninh chính trị khu vực đóng quân; vấn đề cung cấp hậu cần cho lực lượng tại Phái bộ, một số thông tin về một số bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS, sốt rét, Ebola,…
Về mặt chuyên môn y tế, các bác sĩ nhân viên y tế của Bệnh viện đã nhanh chóng nắm bắt công việc và tiếp cận các quy trình Khám chữa bệnh của Liên hợp quốc.
Công tác Hậu cần Kỹ thuật, Giám đốc bệnh viện dã chiến 2.2 cho biết đây cũng là nhiệm vụ quan trọng, được quan tâm chỉ đạo sát sao. “Cán bộ nhân viên bệnh viện luôn có những bữa ăn Việt Nam ngon miệng, đồng thời cũng đảm bảo đủ lượng nước sinh hoạt cần thiết cho mọi người trong bệnh viện"- ông nói.
Ban Bảo đảm của bệnh viện đã tận dụng các thùng gỗ đựng hàng mang sang từ Việt Nam để đóng các dụng cụ sinh hoạt và phục vụ công việc cho toàn bệnh viện. "Tự anh em chúng tôi làm, làm xong mới thấy bác sĩ cũng có thể làm được thợ mộc”- Trung tá Hiển cười vui chia sẻ.
Lúc mới đến Nam Sudan, ai cũng nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ Việt Nam. “Nhiều người khóc. Khóc vì đến một nơi xa lạ, cảm giác nhớ nhà nhớ quê hương là không thể tránh khỏi. Tôi phải động viên anh chị em rất nhiều. Ở bên này không có ngày nghỉ, anh chị em chúng tôi gặp gỡ nhau, tự chúc mừng nhau nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam. Chúng tôi xúc động và yên tâm làm nhiệm vụ, khi ở Việt Nam, người thân, anh em, bạn bè, đồng nghiệp vẫn đang hướng về chúng tôi”- Trung tá Hiển nói.
Bệnh nhân điều trị nội trú đầu tiên
Đó là thiếu tá Mamul – sĩ quan cố vấn chỉ huy trưởng Quân sự Phân khu Unity. Anh bị nhiễm sốt rét sau khi đi công tác trở về. Lúc mới vào viện, thiếu tá bị các cơn sốt rét cao và rất lo lắng về bệnh tình của mình. Tuy nhiên, được sự động viên và chăm sóc tận tình của các y bác sĩ bệnh viện dã chiến 2.2, anh được điều trị cắt cơn sốt rét sau 4 ngày điều trị.
“Ngay khi đến Bệnh viện cấp 2 Việt Nam, tôi đã thấy mức độ chuyên nghiệp cao ở tất cả các bác sĩ, điều dưỡng ở đây. Những cử chỉ và thái độ quan tâm đặc biệt của tất cả các bác sĩ điều dưỡng của bệnh viện đã ấn tượng mạnh đối với tôi.
Các bác sĩ và điều dưỡng đã chăm sóc tôi thật chu đáo- điều mà tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi sẽ luôn ghi nhớ trong suốt cuộc đời mình những cử chỉ chăm sóc tận tình và sự tiếp đón nồng ấm của nhân viên Bệnh viện cấp 2 Việt Nam….”- Thiếu tá Mamul viết.
Ngoài việc chăm sóc và điều trị các bệnh nhân theo quy định của Liên hợp quốc. Trong tháng 12 vừa qua, dưới sự chỉ đạo của bà Hiroko, Trưởng Văn phòng Chỉ huy Phân khu Unity (HOFO), Bệnh viện cũng đã khám và cấp thuốc cho 2 nhân vật quan trọng của địa phương là Ngài Tor Tung War - Thống đốc Bang Unity và vợ đến khám chữa bệnh; và Ngài Kur Yay - Bộ trưởng Bộ Y tế và Môi trường Bang Unity.
Qua khám chữa bệnh, các Ngài cũng đánh giá cao sự chuyên nghiệp và tận tình của các bác sĩ, điều dưỡng đến từ Việt Nam.