Trong cuộc giao ban báo chí Thành uỷ chiều 5.9, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội – Hoàng Đức Hạnh cho hay, trong tuần ghi nhận 2.605 trường hợp (giảm 307 trường hợp so với tuần từ ngày 21.8 đến 27.8, giảm 973 trường hợp so với tuần cao điểm từ ngày 6.8 đến 13.8).
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, một số đơn vị có số mắc cao trong tuần gồm: Hoàng Mai (354), Đống Đa (271), Thanh Xuân (250), Hà Đông (232), Hai Bà Trưng (232), Cầu Giấy (178)... Trong tuần, các cơ quan chức năng ghi nhận không có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, luỹ tích từ 1.1.2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 24.264 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong, tỷ lệ khỏi bệnh chiếm 91%.
Đánh giá của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, tình hình dịch sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, cả nước ghi nhận trên 110.000 ca mắc, 26 người đã tử vong và số mắc tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016.
Riêng Hà Nội, mặc dù số ca mắc đã có xu hướng giảm đáng kể (307 trường hợp), nhưng theo các chuyên gia y tế, do tình hình thời tiết cùng thời gian tới số sinh viên các trường sẽ về Hà Nội nhập học, do vậy, có thể dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Trả lời báo chí về việc có hiện tượng tồn tại nhiều phác đồ điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết, ông Hoàng Đức Hạnh khẳng định, hiện tại, Hà Nội chỉ có duy nhất 1 phác đồ điều trị, có chăng nếu khác thì đó là việc điều trị tại nhà hoặc bệnh viện.
Nói về dấu hiệu một số đối tượng giả danh đoàn công tác liên ngành đi phun muỗi, qua đó trục lợi từ các hộ gia đình, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, đã nắm được thông tin trên và thường xuyên chỉ đạo các trung tâm y tế cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân để đề cao cảnh giác.
Liên quan thông tin có thuốc diệt muỗi, bọ gậy giả trên thị trường, ông Hoàng Đức Hạnh khuyến cáo người dân nên tìm đến những địa chỉ tin cậy để mua loại thuốc đúng quy chuẩn, và hiện nay, toàn thành phố chỉ sử dụng, áp dụng rộng rãi 1 loại thuốc đạt chuẩn.