Theo đó, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Y tế chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nhiều quy mô, đối tượng, môi trường khác nhau ở cấp.
Cơ sở vật chất cách lý, chữa bệnh sẵn sàng
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để đáp ứng bài toán 1.300-1.700 người nhập cảnh Tân Sơn Nhất mỗi ngày.
Lãnh đạo thành phố gợi ý vận động nguồn nhân lực là bác sĩ nghỉ hưu, bác sĩ bộ tư lệnh quân khu, bác sĩ từ bệnh viện của công an, sinh viên trường y tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch. Nếu Bộ Tư lệnh thành phố thiếu nhân lực có thể tận dụng lực lượng thanh niên xung phong của thành phố.
Về trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống COVID-19, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế sở cho biết hiện có 3 công ty cung cấp phòng áp lực âm cho thành phố và đang vận hành hết công suất để sản xuất 20 phòng/tuần, đáp ứng nhu cầu chữa trị.
Về khu cách ly, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay hiện thành phố có 3 khu cách ly tập trung tại quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Củ Chi. Ở 24/24 quận, huyện có khu cách ly tập trung cấp quận, huyện. Và thành phố đã chuẩn bị phương án dự phòng khi các khu cách ly trên địa bàn đã sắp sử dụng hết công suất. Hiện ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM với quy mô gần 20.000 chỗ cũng đã được trưng dụng làm khu cách ly để chuẩn bị phương án người nhập cảnh về TPHCM tăng cao.
Sở dự kiến sẽ di chuyển toàn bộ ca nghi nhiễm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM qua viện khác. Ngoài ra, Sở Y tế tính tới chuyển toàn bộ bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM (huyện Bình Chánh) sang Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 để vận hành nơi này như khu chữa trị.
Ngoài ra, thành phố cũng xây dựng kế hoạch khi dịch bùng phát trong cộng đồng sẽ nhân rộng mô hình cách ly trong trường hợp ở đường phố, khu phố, ở chung cư cao ốc, khách sạn mini, khách sạn lớn hoặc ở các khu tạm trú.
Thành phố đã sẵn sàng 3.000 bộ xét nghiệm, trong tháng 3 có thêm 10.000 bộ, tháng 4 có thêm 20.000 bộ và trong tháng 5, 6 sẽ chuẩn bị 20.000 bộ nữa để sẵn sàng đối phó khi dịch bệnh lan nhanh trên diện rộng.
Đủ hàng hóa thiết yếu
Về cung ứng hàng hóa, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch ứng phó cho 3 tình huống dịch COVID-19 theo cấp độ tăng dần.
Tình huống khi thành phố có nguy cơ thêm ca nhiễm mới, sở dự báo người dân sẽ có xu hướng thu gom, tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm khiến thị trường khan hiếm cục bộ một số thời điểm.
Nếu một số đối tượng có thể lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt rồi nâng giá bán sản phẩm để trục lợi, sở sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng UBND 24 quận, huyện không để phát tán tin đồn thất thiệt; chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn cung hàng hóa vượt 30% - 40% ngày thường để sẵn sàng cung ứng. Khả năng cung ứng nguyên vật liệu cũng sẽ được nâng lên 50% - 100% khi cần thiết và tăng cường bán hàng online.
Tình huống 2, trong trường hợp TPHCM chính thức có thêm ca nhiễm mới khiến người dân tăng cường tích trữ gây thiếu hụt hàng hóa, sở tiếp tục duy trì các phương án tại tình huống 1 và lên phương án hỗ trợ vốn để doanh nghiệp dự trữ hàng. Nguồn cung hàng hóa cũng được nâng lên 50% - 100% so với ngày thường. Số lượng hàng hóa bán ra với mỗi người cũng sẽ được giới hạn để tránh thu gom, tích trữ.
Tình huống 3, dịch bệnh lan rộng, sở dự đoán nhu cầu của người dân sẽ chuyển sang kênh thương mại điện tử để tránh tụ tập đông người. Ngoài duy trì giải pháp ở hai tình huống trên, sở sẽ giảm hoặc ngừng xuất khẩu nguyên liệu, thành phẩm các mặt hàng lương thực thiết yếu.