Đánh giá về Thông tư trên, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn FiinGroup - cho biết: “Việc quan trọng nhất đối với vấn đề nợ trái phiếu hiện nay là nhu cầu tái tài trợ hoặc cơ cấu lại nợ vẫn chưa được dự thảo sửa đổi trong lần này trong bối cảnh nợ xấu trái phiếu đang tăng từng ngày”.
Theo đó, nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp, tính trên trái phiếu phi ngân hàng là 12%. Tính riêng trái phiếu bất động sản thì tỉ lệ vỡ nợ (default ratio) là 20,17% (tại ngày 17.3.2023) và có xu hướng tăng tiếp. Do đó, nếu như dự thảo sửa đổi Thông tư 16 này được giữ nguyên thì cũng chưa có tác động nhiều đến việc giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và trong đó có tín dụng bất động sản.
Điều này tạo áp lực lên nợ xấu vào thời gian tới nếu như không được tái cơ cấu. Dĩ nhiên, biện pháp này mang tính kỹ thuật nhiều hơn bởi mấu chốt vẫn là sự cải thiện về dòng tiền từ doanh nghiệp, nhưng thật không may là triển vọng thì chưa có dấu hiệu tốt lên.
Do đó, tác động chéo sang chất lượng tín dụng của ngân hàng là hiện hữu.
“Một doanh nghiệp chậm trả trái phiếu thì sau đó sẽ có khả năng chậm trả nợ ngân hàng và khi quá hạn 91 ngày thì vào Nhóm 3 - Nợ dưới chuẩn, mức lập dự phòng 20% và trên 181 ngày thì vào Nhóm 4 - Nghi ngờ, 50% dự phòng và mức xấu nhất là nếu chậm trả trên 1 năm thì nhảy Nhóm 5 - Mất vốn, 100% dự phòng nợ xấu.
Câu hỏi đặt ra là còn dư địa để ngân hàng tăng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp nói chung và tín dụng bất động sản không?” - ông Nguyễn Quang Thuân nói.
Theo Chủ tịch FiinGroup, trong tổng số trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng 789 nghìn tỉ VND đang lưu hành của 757 tổ chức phát hành thì riêng 28 ngân hàng niêm yết cũng sở hữu khoảng 253 nghìn tỉ, tức chiếm khoảng 29% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Tỉ trọng trên tổng dư nợ thì trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đang sở hữu chỉ hiện chiếm khoảng 2,95% tổng dư nợ tín dụng của 28 ngân hàng niêm yết vào cuối 2022. Tuy nhiên, tổng tín dụng ngân hàng cho chủ đầu tư kinh doanh bất động sản ở mức 807 nghìn tỉ đồng vào cuối năm 2022 (theo số liệu công bố của NHNN), tức chiếm khoảng 7% tỉ trọng tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.