“Có nhà trẻ trong khu công nghiệp, công nhân sẽ càng yên tâm làm việc”
TẤT THẢO (thực hiện) |
- Những kiến nghị này do LĐLĐ TP.Hà Nội tổng hợp từ ý kiến đề xuất, nguyện vọng của đội ngũ CNVCLĐ và CĐ các cấp. Các kiến nghị này tập trung vào 3 nhóm. Nhóm vấn đề thứ nhất là làm thế nào để xây dựng hệ thống chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách về lao động phải đáp ứng được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ, đồng thời phải dự báo được những vấn đề mới trong hội nhập quốc tế hiện nay, nhất là về các cam kết mà Việt Nam đã ký kết với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến thực hiện chính sách để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ. Cụ thể, về đời sống vật chất, chủ yếu cần phải đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, xã hội trong các khu, cụm công nghiệp tập trung để đảm bảo NLĐ có thể có chỗ ở, nơi làm việc, nơi để con em họ học tập, sinh hoạt một cách tốt nhất.
Trong đó, chúng tôi có đề nghị tập trung vào vấn đề nhà ở công nhân; xây dựng các nhóm trẻ độc lập; nhà trẻ mẫu giáo trong các KCN tập trung; các thiết chế văn hóa như phòng khám sức khỏe, nơi thể dục thể thao, trung tâm nơi người lao động có thể vào để đọc trên mạng những thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước và CĐ để định hướng trong vấn đề tư tưởng, dư luận cho NLĐ.
Nhóm vấn đề thứ 3 là tổ chức bộ máy. Chúng tôi kiến nghị Thành ủy, UBND các cấp của thành phố rà soát lại các chủ trương về vấn đề xây dựng bộ máy của tổ chức CĐ theo hướng tinh gọn nhưng phải hiệu quả, phải đảm bảo sự chủ động của tổ chức CĐ trong vấn đề sử dụng đội ngũ cán bộ. Có như vậy mới thực hiện tốt được chức năng của CĐ, nhất là chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ và mở rộng đoàn kết, tập hợp NLĐ vào tổ chức CĐ.
Xuất phát từ thực tế như thế nào LĐLĐ TP.Hà Nội có kiến nghị về xây dựng nhà ở cho công nhân, lập các nhóm trẻ độc lập?
- Như mọi người đều biết, số lượng NLĐ từ các địa phương về Hà Nội để làm việc là rất lớn. Thường, họ xây dựng gia đình, sinh con. Con của họ phải có nơi học tập để họ yên tâm làm việc trong các doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng cần có các nhóm trẻ trong các khu nhà ở công nhân hoặc các KCN. Đó là điều tốt nhất. Bởi nếu như thế, họ có thể đưa con mình tới gần nơi họ làm việc, gần nơi họ ở và dưới sự quản lý của một đơn vị thuộc KCN, chắc chắn sẽ yên tâm hơn, tốt hơn.
Điều kiện học tập của con em ở các nhóm trẻ đó cũng phải tương đồng với các trường công lập của thành phố thì rõ ràng, NLĐ sẽ yên tâm hơn. Và khi họ yên tâm thì năng suất lao động tốt hơn, tinh thần làm việc tốt hơn và gắn bó với thủ đô nhiều hơn.
Thưa bà, được biết LĐLĐ TP.Hà Nội còn kiến nghị cần dạy ngoại ngữ cho công nhân?
- Ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp, là cầu nối để chủ sử dụng lao động nước ngoài và NLĐ Việt Nam hiểu nhau hơn, gắn bó hơn, chia sẻ hơn. Nếu có ngoại ngữ, NLĐ có thể kiến nghị với chủ sử dụng lao động người nước ngoài trực tiếp hơn, không phải qua “lăng kính” của phiên dịch hay của trưởng phòng nhân sự kiêm phiên dịch của chủ tịch hay tổng giám đốc.
Nếu qua “lăng kính” ngôn ngữ của người khác thì có thể không giải quyết hết được những vấn đề, nguyện vọng của NLĐ. Hà Nội có rất nhiều doanh nghiệp FDI, vì vậy chúng tôi mong muốn NLĐ phải biết ngoại ngữ, biết giao tiếp với người nước ngoài. Điều đó còn khiến họ tự tin hơn và chia sẻ nhiều hơn, nắm bắt được nhiều thông tin hơn.
- Xin cảm ơn bà!