Mục tiêu tổng quát của Đề tài là nghiên cứu, nhận diện mô hình tổ chức, hoạt động Công đoàn trong các tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, phân tích thực trạng mô hình tổ chức, hoạt động Công đoàn, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động công đoàn trong các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay.
Đề tài gồm 3 chương và sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, điều tra bằng biểu mẫu thống kê để thu thập thông tin về, nghiên cứu thực địa, khảo sát, thu thập ý kiến; phương pháp phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm; phương pháp xử lý thông tin, số liệu…
Về mặt lý luận, đề tài là công trình đầu tiên nghiên cứu các vấn đề lý luận một cách toàn diện và đầy đủ trên các khía cạnh khái niệm, đặc điểm của mô hình tổ chức Công đoàn trong các tập đoàn kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Đề tài góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận về mô hình tổ chức, hoạt động Công đoàn trong các tập đoàn kinh tế tư nhân tại Việt Nam theo các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng, phát triển, đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động Công đoàn trong các tập đoàn kinh tế tư nhân ở nước ta.
Về thực tiễn, trên cơ sở nghiên cứu lý luận, đề tài đưa ra những khuyến nghị cụ thể về xây dựng mô hình tổ chức, hoạt động của công đoàn trong các tập đoàn kinh tế tư nhân tại Việt Nam thời gian tới, đáp ứng được những yêu cầu, thách thức từ thực tiễn, phù hợp với mô hình tổ chức của các tập đoàn kinh tế tư nhân nước ta, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về phát triển công đoàn trong các tập đoàn kinh tế tư nhân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
Một trong những kiến nghị, đề xuất của Đề tài là Đảng chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc sửa đổi Luật Công đoàn theo hướng tạo điều kiện cho việc tổ chức xây dựng các mô hình công đoàn trong các tập đoàn kinh tế tư nhân một cách đa dạng, linh hoạt theo đặc thù riêng; sửa đổi chính sách, chế độ dành cho cán bộ Công đoàn, bảo đảm thu hút nhân tài trong hoạt động Công đoàn cũng như đề nghị Đảng chỉ đạo sửa đổi chính sách tiền lương, chế độ lao động cho người lao động trong các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao hơn.
Đề tài cũng kiến nghị Tổng Liên đoàn tiếp tục kiến nghị, đề xuất để thống nhất với Ban tổ chức Trung ương tháo gỡ những vướng mắc về biên chế, công tác tuyển dụng, bố trí và sử dụng cán bộ Công đoàn chuyên trách, nhất là cán bộ Công đoàn chuyên trách trong các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Với kết luận kết quả nghiên cứu đạt yêu cầu, Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài rất thiết thực trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình mới, trong đó yêu cầu thực hiện thí điểm mô hình tổ chức Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở Công đoàn tổng công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. TS.Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị cần làm rõ đặc điểm của tập đoàn kinh tế, rút ra bài học Công đoàn trong tập đoàn kinh tế, từ đó rút ra bài học cho tập đoàn kinh tế tư nhân, đồng thời nhóm thực hiện nên khảo sát kinh tế tư nhân có tính điển hình để có thể đề xuất mô hình sau này.