Đó là anh Nguyễn Văn Lương - cán bộ Trung tâm Văn hóa - thể thao, thị xã Ninh Hòa.
Miệt mài, say sưa giảng cho các em học sinh trường THCS Trần Quang Khải - Ninh Hòa hiểu về các lễ hội, di tích trên địa bàn. Những bức ảnh qua lời thuyết minh của anh Lương trở nên sống động. Nền văn hóa của mảnh đất Ninh Hòa cũng hiện hữu rõ hơn. Bằng cách này, những bài học giáo dục về truyền thống lịch sử đã vượt ra khỏi những trang sách khô khan để trở thành những câu chuyện, hình ảnh sinh động thu hút các em học sinh.
Nhiệt huyết với nghề nhưng đã có lần vì kinh tế gia đình khó khăn, anh từ bỏ công việc này để tìm công việc khác phụ giúp vợ con. Và rồi, niềm đam mê lịch sử văn hóa dân tộc đã ăn sâu vào máu thịt anh, thôi thúc anh quay trở lại với nghề. Đến nay, đã hơn 20 năm làm công tác văn hóa, anh không đếm xuể được bao nhiêu lần lên rừng, xuống biển, chỉ cần nghe ở đâu có dấu vết của di tích, di sản thì chẳng quản sớm tối, anh đều có mặt.
Chính anh cũng tâm sự, trong quá trình sưu tầm đồ vật cũng gặp muôn vàn khó khăn, có khi một mình anh phải kiên trì đi về các căn cứ địa như: Hòn Hèo, Hòn Lớn... để tìm tòi, ghi chép lại hình ảnh các nơi diễn ra kháng chiến trong quá khứ.
Hiện nay, trong số hàng trăm mẫu vật được trưng bày ở nhà truyền thống thì có rất nhiều mẫu vật là thành quả từ những lần đi vận động tìm tòi của anh. Khi nhìn vào đây, khách tham quan sẽ có thêm sự hiểu biết và có cái nhìn tổng quát về các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn.
Anh Lương không chỉ sưu tầm, thống kê các di tích, di sản mà còn kiêm luôn nhiệm vụ thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan. Ngoài ra, anh còn giúp đỡ đồng nghiệp từ địa phương khác đến Ninh Hòa nghiên cứu, tìm hiểu.
Với mong muốn giới thiệu cho mọi người về truyền thống lịch sử, văn hóa của xứ sở, anh một lòng đi tìm dấu ấn của một thời đã qua. Đặc biệt là nền văn hóa của người Hoa ở Ninh Hòa; hình ảnh hiện vật cổ xưa của người Kinh, Ê-đê, Rắc-lây đã từng sinh sống tại đây. Hỏi khi nào anh dừng lại công tác sưu tầm này? Anh chỉ cười và trả lời một cách hồn nhiên: “Khi nào sức khỏe của mình không cho phép thì mình mới dừng lại. Còn bây giờ cứ khỏe là cứ đi. Vì đó là niềm vui mà”.
Sau những ngày lặn lội đi tìm hiện vật, di sản anh lại miệt mài ngồi dịch những bức văn tự, sắc phong cổ được lưu giữ trong các đền chùa hay nghiên cứu viết lại những lễ hội, những nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Những cố gắng không ngừng nghỉ của anh nhằm lưu giữ cho đời sau những tinh hoa văn hóa một thời vàng son; những dấu ấn của lịch sử mà bao thế hệ đi trước đã dày công gây dựng. Anh xứng đáng được người dân ở đây ca ngợi “người lưu giữ nét văn hóa tại Khánh Hòa”.