Giải quyết tồn tại trước đây
Trao đổi về việc tại sao huyện Sóc Sơn cho rằng việc kí hợp đồng với các nhân viên là không đúng quy định, Trưởng phòng Nội vụ Nguyễn Hồng Sơn cho biết: "Đây được xác định là tồn tại cũ, tôi không đánh giá là đúng hay sai".
Ông Sơn lý giải, trước đây, TP. Hà Nội có giao chỉ tiêu kí hợp đồng lao động ở một số vị trí trong các trường công lập. Song biết trước được việc sẽ phải rà soát và chấm dứt hợp đồng với những nhân viên, vì vậy từ năm 2015, huyện Sóc Sơn đã không kí hợp đồng với nhân viên.
Từ tháng 1.2019, Nghị định 161 có hiệu lực, sửa đổi và bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức... Các cơ quan của huyện đã tiến hành rà soát, thanh lý hợp đồng với tất cả các khối như ở UBND huyện, các trường học...
Sau đó, UBND TP. Hà Nội cũng có công văn yêu cầu các quận, huyện rà soát việc sử dụng đúng công chức, viên chức. Lẽ ra phải thực hiện chấm dứt hợp đồng với nhân viên từ năm 2019 nhưng lùi lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ông Sơn cho biết, 65 nhân viên ở các trường là đợt rà soát cuối cùng. Qua nắm bắt với những trường hợp trên, có 3 người sắp nghỉ hưu hoặc có công việc khác tốt hơn. Với 62 người còn lại, có đến 47 người có nguyện vọng sang hệ nhân viên nuôi dưỡng.
Bố trí việc làm mới
Lãnh đạo Phòng Nội vụ cho hay: "Theo quy định của TP cho phép bố trí định mức lao động, hiện nay còn 58 chỉ tiêu là nhân viên nuôi dưỡng. Chúng tôi không tuyển mới, mà khuyến khích những nhân viên trên chuyển sang công việc này. Nếu không tạo điều kiện cho lao động, chúng tôi đã tuyển nhân viên nuôi dưỡng mới và thanh lý số hợp đồng cũ".
Vì vậy, Phòng Nội vụ đã tham mưu cho UBND huyện xin chủ trương chuyển những nhân viên hợp đồng có nguyện vọng sang làm nhân viên nuôi dưỡng.
"Nếu người lao động không muốn làm cô nuôi, chúng tôi cũng phải tôn trọng họ. Với những trường hợp này, huyện sẽ hướng dẫn các trường thực hiện chế độ chính sách thôi việc theo quy định của luật lao động" - lãnh đạo Phòng Nội vụ nói.
Theo ông Sơn, quyết định của UBND thành phố quy định thẩm quyền sẽ thuộc về hiệu trưởng đơn vị. Họ được kí chấm dứt hợp đồng và kí tiếp hợp đồng với người lao động.
UBND huyện có nhiệm vụ thống nhất về chủ trương, thông báo số lượng chỉ tiêu cụ thể tuyển dụng sang cô nuôi ở các trường mầm non công cập. Còn lại, các bước tiếp theo sẽ giao cho hiệu trưởng nhà trường thực hiện.
Theo Phòng Nội vụ, phải có bằng trung cấp nấu ăn mới đủ điều kiện sang làm nhân viên nuôi dưỡng. Vì vậy, huyện tạo điều kiện cho những người lao động này nợ bằng trong 2 năm. Tranh thủ thời gian đó, người lao động sẽ tham gia các khoá học để có bằng trung cấp - điều kiện cần cho vị trí cô nuôi.
Trao đổi về mức lương ở công việc mới, lãnh đạo Phòng Nội vụ cho biết: "Chúng tôi đang bàn bạc làm sao đảm bảo quyền lợi người lao động tốt nhất. Hướng dẫn nhà trường tạo điều kiện cơ bản nhất, xếp được mức lương tương đương... Vấn đề về tiền lương, phòng sẽ cố gắng hướng dẫn cho các đơn vị đảm bảo quyền lợi".
Hiện nay, Phòng Nội vụ đang phối hợp với các trường thực hiện việc chấm dứt hợp đồng với các nhân viên, thời hạn trước ngày 20.11. Sau khi hoàn thành xong phần việc này, các cơ quan liên quan mới tính toán đến việc sắp xếp lương ở vị trí làm việc mới - cô nuôi - cho người lao động.
"Sau khi hoàn thiện chấm dứt hợp đồng xong, sẽ sang bước tiếp theo là hướng dẫn cho nhà trường về vấn đề sắp xếp lương. Chúng tôi không dám khẳng định (việc chuyển ngang lương- PV) vì chưa đến bước đó. Chúng tôi sẽ phối hợp các nhà trường quan tâm, tạo điều kiện" - lãnh đạo Phòng Nội vụ nói.
Trao đổi về việc có thể kéo dài hợp đồng với những nhân viên cho đến khi học xong bằng trung cấp nấu ăn, ông Sơn cho biết: "Nếu tiếp tục làm tại các trường thì không được, khuyến khích người lao động chuyển sang làm cô nuôi. UBND huyện đã họp và đồng ý cho những người lao động này có thể nợ bằng trung cấp nấu ăn".