Muốn nghỉ cũng... khó
27 tuổi, anh T. là công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) gần 7 năm nay. Còn trẻ, chưa có gia đình nhưng nghĩ phải có chút vốn mới dám cưới vợ nên anh T. gặp nhiều áp lực về tiền bạc. Luôn cố gắng đi làm thêm để có thêm thu nhập, anh T. cũng hạn chế ở nhà vì sợ phát sinh chi phí do... đi chơi cùng bạn bè.
Làm thêm triền miên thu nhập có khá hơn, nhưng nhiều khi anh T. cũng muốn nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Tuy nhiên, việc xin nghỉ tăng ca đối với công nhân lại không đơn giản. “Làm thêm để có thêm thu nhập ai cũng mừng, nhưng khi mệt mỏi muốn nghỉ ngơi 1 - 2 buổi khá khó khăn” - anh T. cho hay.
Giải thích về điều này, anh T. cho biết, công ty sản xuất theo dây chuyền, nên một công nhân nghỉ thì sẽ không có người bù vào. Trên thực tế, dù quản lý không cấm, trên giấy tờ không ép buộc làm thêm, nhưng có khi chỉ cần những câu hỏi: Tại sao lại nghỉ; có việc cần thiết lắm không?… cũng trở thành áp lực vô hình cho công nhân, khiến họ rất e ngại khi xin nghỉ. Ngoài ra, công nhân nào có việc và nghỉ thường xuyên sẽ bị “soi”, bị nói không hợp tác với công ty, ảnh hưởng đến đánh giá cuối năm…
“Công ty nơi tôi làm việc, trên giấy tờ hàng tháng được nghỉ 4 ngày chủ nhật và 2 ngày thứ 7, nhưng khi công ty gọi đi làm, đương nhiên công nhân phải đi. Xin nghỉ rất khó...” - anh T. nói.
Không ai có thể ép người lao động làm thêm
Theo Điều 107 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây: Phải được sự đồng ý của người lao động; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp cụ thể…
Trao đổi với phóng viên về câu chuyện “nhạy cảm” không dám nghỉ làm thêm, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, theo quy định, khi doanh nghiệp tổ chức làm thêm phải xin ý kiến của người lao động, có thể bằng cách lập danh sách để người lao động ký nhận đồng ý làm thêm. Việc đi làm thêm phải có sự đồng thuận từ 2 phía: Người sử dụng lao động và người lao động.
Bà Ngân nhấn mạnh, làm thêm là quyền của người lao động, nên người lao động có quyền được từ chối. “Người lao động cần nâng cao hiểu biết về các quy định liên quan. Người lao động đồng ý đi làm thêm hay không là do họ quyết định, tuỳ theo sức lao động, hoàn cảnh của mình. Nếu việc đi làm thêm không đảm bảo sức khoẻ thì họ phải có ý kiến. Nếu người lao động không muốn làm thêm thì không ai, không áp lực nào bắt buộc họ phải làm thêm” - bà Ngân bình luận.
Ngoài ra, cũng cần xem doanh nghiệp tổ chức làm thêm có vượt quá thời gian cho phép không, nếu trong thời gian quy định thì có nghĩa là được phép; còn người lao động vì lý do sức khoẻ hoặc lý do gì đó họ không muốn thì không ai có thể ép buộc họ làm thêm. Bản thân người lao động cũng phải tự ý thức bảo vệ quyền lợi của mình.
Bà Ngân cũng cho rằng, người sử dụng lao động cũng phải hiểu đây là quyền của người lao động. “Khi tổ chức làm thêm, người sử dụng lao động phải có kế hoạch; lấy ý kiến người lao động; đảm bảo tiền lương trả theo đúng quy định; đảm bảo người lao động được tái tạo sức lao động. Việc lấy ý kiến của người lao động phải thực chất để đạt được tính chất tự nguyện của cả 2 bên” - bà Ngân nói và cho biết thêm, không gây áp lực cho người lao động thì mới đảm bảo an toàn cho người lao động; nếu gây áp lực thì sẽ có nguy cơ tai nạn lao động, ức chế cho người lao động.