Tổng công ty Thăng Long-CTCP được thành lập ngày 6.7.1973. Công trình đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long (1973 -1985). Lúc bấy giờ là cây cầu lớn nhất, với quy mô 2 tầng: tầng dưới là đường sắt và đường bộ, tầng trên là đường ô tô rộng 23m với tổng chiều dài toàn cầu trên 10km.
Là doanh nghiệp có tuổi đời gần 50 năm, song đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty Thăng Long đã có nhiều sa sút trong kinh doanh.
Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ quý I.2020, doanh thu bán hàng đạt 61,3 tỉ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt 1,1 tỉ đồng, giảm so với 1,3 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Cả năm 2019, doanh thu bán hàng của công ty đạt hơn 678 tỉ đồng, tăng 45,40% so với năm 2018. Tuy nhiên, doanh thu tài chính lại chỉ đạt 25 tỉ đồng, giảm hơn 62% so với năm 2018. dẫn đến lợi nhuận sau thuế của cả năm 2019 của công ty mẹ chỉ đạt 12 tỉ đồng, giảm 32,5% so với năm trước.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã ghi nhận tình trạng đi xuống qua các năm. Năm 2018, doanh thu bán hàng của doanh nghiệp đã giảm tới trên 50% so với năm 2017. Các thu nhập khác giảm trên 83%. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm từ 21 tỉ đồng năm 2017 xuống còn 18 tỉ đồng vào năm 2018.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu TTL của Tổng công ty Thăng Long cũng không được đánh giá cao. Giá cổ phiếu dao động quanh mức 6.000 - 7.000 đồng/cổ phiếu. Với hơn 41 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp là 301 tỉ đồng.
Cầu Thăng Long khánh thành vào năm 1985, đã được đưa vào khai thác tròn 35 năm. Theo đại diện Tổng cục Đường bộ, hiện đơn vị đã thông báo mời thầu và sẽ có kết quả đấu thầu qua mạng. Tổng mức đầu tư của dự án là gần 270 tỉ đồng.
Giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu lần này là sẽ cào bóc sạch lớp bêtông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, đồng thời sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép. Lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bêtông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao. Sau đó, các đơn vị sẽ thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận.
Tổng cục Đường bộ cũng sẽ sửa các khe co giãn đã hư hỏng để khi sửa xong sẽ tăng cường lực. Công nghệ sửa chữa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu từ 2 năm nay trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước đã áp dụng. Trước khi khởi công, Tổng cục Đường bộ sẽ phân luồng giao thông và cấm hoàn toàn phương tiện qua cầu từ tháng 7 đến hết năm 2020. Tổng cục sẽ thuê chuyên gia nước ngoài cùng chuyên gia Việt Nam giám sát quá trình thi công.