Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết Đoan Dương) diễn ra vào ngày mùng 5.5 (âm lịch) hàng năm. Tại một số địa phương ở tỉnh Thái Bình, đây không chỉ là ngày ngày diệt sâu bọ, mà còn là dịp để những chàng rể thường mang đồ đến nhà bố vợ để làm quà biếu.
Cùng gia đình sắp xếp đồ từ sớm để di chuyển 6km về nhà bố mẹ vợ ở xã Hồng Việt (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), anh Minh (xã Lô Giang, huyện Đông Hưng) chia sẻ: "Do công việc của vợ chồng tôi làm nghề tự do nên năm nào cũng vậy, cứ đúng ngày mùng 5.5 là cả gia đình tôi lại về nhà bố mẹ vợ để cùng nhau quây quần ăn bữa cơm, mang chút quà về biếu bố mẹ".
Đối với nhiều người dân ở Thái Bình, vịt là món không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết Đoan Ngọ. Theo Đông y, thịt vịt có tính hàn, vị ngọt, giúp tăng thêm năng lượng, bồi bổ cơ thể cho con người. Đặc biệt, tháng 5 ở Thái Bình là mùa gặt, cũng là mùa thịt vịt thả đồng béo, chắc và ngon nhất nên thích hợp ăn trong những ngày nắng nóng.
Chính vì vậy, cứ mỗi dịp mùng 5.5, ở Thái Bình, vịt là thực phẩm được bán rất chạy. Ông Lương Văn Đỗ (xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng) cho biết: "Để phục vụ cho Tết Đoan Ngọ, nhà tôi nuôi 500 con vịt cánh trắng thả đồng. Bán quen nhiều năm nên nhà tôi bán tại nhà. Giá vịt hơi năm nay khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg, từ ngày mùng 3 - 5.5, lượng khách mua vịt nhiều hơn ngày bình thường".
Còn tại khu vực chợ thị trấn Hưng Hà (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), nhiều tiểu thương cũng chuẩn bị sẵn vịt hơi và vịt đã làm sạch phục vụ cho người dân.
Mua đôi vịt đã được làm sạch với giá 300.000 đồng, anh Nguyễn Văn Hòa (xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà) cùng vợ con chở nhau về nhà ngoại cách khoảng 15km. "Tôi không biết vì sao gọi ngày này là Tết nhà ngoại nhưng khoảng 10 năm nay, khi tôi đi làm rể đã được truyền lại như thế. Vợ chồng tôi mua đôi vịt, cân đỗ đen, quả dưa hấu mang về nhà ngoại; rồi cả nhà quây quần ăn với nhau ăn bữa cơm".
"Năm nay nhà tôi Tết bố vợ trước 1 ngày là vào ngày chủ nhật (4.5 âm lịch) vì cả các thành viên đều được nghỉ. Nhà bố vợ tôi có 2 cô con gái cùng lấy chồng ở quê nên năm nào cũng vậy, mấy anh em chúng tôi đều sắp xếp công việc, mang đôi vịt đến làm mấy món ăn, nhâm nhi chén rượu cùng bố vợ" - anh Lương Văn Tuấn (xã Thăng Long, huyện Đông Hưng) cho hay.
Theo chia sẻ của những người xưa, tập tục Tết bố mẹ vợ vào ngày 5.5 (âm lịch) vì trước đây có quan niệm chưa thực sự bình đẳng giới, con gái đi lấy chồng về nhà chồng, chăm lo công việc nhà chồng nên ngày này để con rể trả ơn bố mẹ vợ.