Nâng điểm để đánh trượt thí sinh chỉ là cá biệt
Mùa tuyển sinh 2018, dù điểm đầu vào đã khởi sắc, nhưng ngành sư phạm vẫn chưa thoát cảnh “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nhiều trường không tuyển được sinh viên dù đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ.
Cá biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai còn nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh vì cả ngành có duy nhất một học sinh đăng ký. Sự việc này đã gây ra nhiều tranh cãi, không ít chuyên gia cho rằng trường làm vậy là thiếu nhân văn.
Bên lề hội thảo Giáo dục năm 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) đã có những chia sẻ với báo chí về vấn đề này.
Bà Phụng cho biết, việc trường nâng điểm chuẩn để “đánh trượt” thí sinh, nếu nói về vi phạm một điều luật cụ thể nào thì trường không vi phạm, vì nhà trường có quyền xác định điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển này có phụ thuộc vào nhu cầu tuyển sinh hay không thì rõ ràng là không.
Đại diện Bộ GDĐT cũng cho rằng việc Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đưa ra lựa chọn “đánh trượt” thí sinh chỉ là giải pháp tình thế, trong điều kiện trường gặp khó khăn trong việc tuyển sinh.
“Việc Trường Cao đẳng sư phạm nâng điểm chuẩn để “đánh trượt” thí sinh cũng xuất phát từ thực trạng ít thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm. Khi có 1-2 học sinh đăng ký vào học, trường không đủ kinh phí để mở lớp hoặc không muốn thí sinh phải chờ đợi để mở lớp mà không còn cơ hội để học những ngành khác. Vì vậy trường phải đưa ra giải pháp này.
Chúng ta nên hiểu rằng đây là một giải pháp tình thế ở một số trường cá biệt, chứ không phải là giải pháp giải quyết cho cả hệ thống các trường sư phạm”- bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh.
Nghề giáo chưa hấp dẫn thí sinh
Nói về trường hợp của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) trong mùa tuyển sinh này, dù đã thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng, đảm bảo đầu ra cho sinh viên, nhưng vẫn không nhiều thí sinh mặn mà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng việc thu hút người giỏi vào ngành sư phạm không chỉ phụ thuộc vào đầu ra của ngành.
“Ngay cả khi đã có địa chỉ sử dụng sau khi học mà vẫn không thu hút được, như vậy nó không phụ thuộc vào chất lượng đào tạo, nó cũng chưa hẳn đã phụ thuộc vào việc làm sau khi học, mà nó sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như tính hấp dẫn của nghề nghiệp.
Nhiều người vẫn nói ngành sư phạm áp lực rất nhiều, trước dư luận xã hội, cha mẹ học sinh, trước tương lai của đất nước. Khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, khả năng làm thêm cũng rất khó khăn. Tiền lương lại chưa hấp dẫn. Chính vì những điều này khiến thí sinh chưa mặn mà với ngành sư phạm”- bà Nguyễn Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, để giải quyết bài toán thu hút người giỏi vào sư phạm cần phải có giải pháp tổng thể, tăng tính hấp dẫn của nghề. Để giải quyết được vấn đề này cần sự vào cuộc từ nhiều Bộ, ngành, một mình ngành giáo dục nỗ lực là chưa đủ.