Nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính định giá sách giáo khoa
Sáng nay (8.6), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội. Một trong những nội dung của phiên chất vấn là vấn đề giá sách giáo khoa.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề "không chỉ sách giáo khoa, các dịch vụ thiết yếu liên quan đến đời sống của người dân cũng cần phải định giá lại".
Ông dẫn chứng, thời gian qua, nếu Bộ Tài chính tham gia sâu thì bộ kit test sẽ không tăng giá như vậy. "Đây là vấn đề rất quan trọng. Sách giáo khoa thiết yếu rồi, còn các lĩnh vực khác cũng rất thiết yếu. Liên quan đến vấn đề thiết yếu của người dân mà lại để các bộ ngành tự định giá thì có lợi ích nhóm trong vấn đề này hay không?", đại biểu Hoà đặt vấn đề.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời việc kê khai giá sách giáo khoa vẫn được doanh nghiệp thực hiện. Nhà nước chỉ thẩm định giá với những loại sản phẩm được mua bằng ngân sách, còn với mặt hàng này người mua sẽ lựa chọn chỗ tốt, rẻ nhất trên tinh thần minh bạch, công khai.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao băn khoăn hơn hai năm qua, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại biểu Quốc hội đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính định giá sách giáo khoa nhưng chưa nhận được trả lời.
"Cử tri và đại biểu Quốc hội rất băn khoăn. Bộ có khó khăn gì khi phản hồi ý kiến của đại biểu Quốc hội? Khi nào giá sách giáo khoa ở mức phù hợp, lợi ích hài hòa", bà Quỳnh Dao nói.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, văn bản đại biểu gửi Bộ Tài chính từ năm 2020, nhưng cá nhân ông chưa nhận được. Nếu đưa sách giáo khoa vào diện bình ổn để Nhà nước phải bù giá thì phải đưa vào Luật Giá thì mới có cơ sở thực hiện, nếu không thì chỉ có thể chỉ đạo trong khung giá. Các cơ quan quản lý cần vận động nhà xuất bản tiết giảm chi phí để giá bán hạ xuống.
Năm học 2020-2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, giá sách giáo khoa cao hơn 3-4 lần so với sách cũ. Năm nay, khi NXB Giáo dục Việt Nam công khai giá sách các lớp 3, 7, 10, sử dụng cho năm học 2022-2023, mức giá tiếp tục cao hơn các bộ sách cũ 2-3 lần.
Yêu cầu Nhà xuất bản tiết giảm chi phí
Cũng trả lời về vấn đề định giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc này sẽ được hai bộ thực hiện trong thời gian sớm nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang biên soạn thông tư mới về quy cách, quy chuẩn của sách giáo khoa cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay. "Thông tư góp phần tác động vào giá sách nên chúng tôi sẽ cố gắng làm thật nhanh", ông Sơn nói.
Bộ trưởng Sơn cho biết đã yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam, doanh nghiệp do Bộ làm cơ quan chủ quản, tiết giảm chi phí, giảm khâu trung gian, giảm chi phí phát hành và cạnh tranh lành mạnh để giảm giá sách giáo khoa. Tuy nhiên, hiện có 5 đơn vị đang biên soạn, xuất bản và phát hành sách giáo khoa nên việc tác động và chỉ đạo các doanh nghiệp không do Bộ chủ quản có phần khó khăn.
Để ngăn chặn tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, Bộ trưởng Kim Sơn cho biết, Thông tư 21 về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục đã nghiêm cấm hiệu trưởng, giáo viên ép buộc, gợi ý phụ huynh mua sách không thuộc danh mục sách giáo khoa. Ông đề nghị lãnh đạo địa phương giúp Bộ kiểm soát việc này ở trường học để tránh gây bức xúc dư luận.
Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội 7 ngày trước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, việc biên soạn sách giáo khoa được xã hội hóa. Các doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản và phát hành.
Với mong muốn học sinh được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất, từ góc độ quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật, yêu cầu các đơn vị xuất bản sách có thể dùng lại nhiều lần, tiết giảm chi phí để giảm giá sách.
Đồng thời, nhà xuất bản có giải pháp cung cấp sách giáo khoa cho học sinh thuộc vùng khó khăn, cấp bản sách PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận ngay từ khi phát hành.