“Ông thầy khùng”, “Trống đám ma”
Thầy giáo Mai Văn Quyết, mới tốt nghiệp lớp 12 đã theo bố vào mảnh đất Bạc Liêu làm kinh tế. Nhưng cái đói, cái nghèo bủa vây khiến chàng trai trẻ quyết tâm đèn sách ôn thi, tìm cách thoát nghèo sau 2 năm rời ghế nhà trường.
“Tôi đến với sư phạm là cái duyên. Ra trường, tôi được phân công về dạy môn Lịch sử tại trường Phổ thông cơ sở Thuận Hòa 2 (nay là THCS Nguyễn Huệ, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) và công tác đến nay.
Học sinh của trường, con em đồng bào người dân tộc chiếm tới khoảng 70% nên khó khăn lớn nhất là rào cản ngôn ngữ. Để khắc phục, tôi đã quyết tâm học tiếng dân tộc từ bà con, từ chính những học trò của mình" - thầy Quyết chia sẻ.
Với thầy Quyết, 2 từ “ông thầy khùng”, "trống đám ma" gắn liền với kỉ niệm thầy không bao giờ quên:
"Thời mới về trường, tôi được Hiệu trưởng quan tâm, tin tưởng giao kiêm nhiệm tổng phụ trách đội, xây dựng phong trào đội cho học trò.
Mỗi lần đi làm công tác đội, tôi phải đạp xe 15 cây số vào trung tâm của thị xã. Đường xá khấp khuỷu, gập ghềnh, khó khăn vô cùng. Di chuyển đến được với học trò đã là điều gian khổ, hướng dẫn các em còn khó gấp bội lần.
Tôi dạy các em đánh trống, chào cờ, làm các nghi lễ, đánh tay đi đều, xoay trái xoay phải,.. đều nghe tiếng học trò, người dân bàn tán nhưng khi ấy tôi chưa biết tiếng dân tộc.
Rất lâu sau, học trò kể lại hôm ấy, họ gọi tôi là “ông thầy khùng”, không dạy học trò viết phấn, viết bảng lại đánh trống đám ma, múa may kì quái,..
Nhờ kỉ niệm ấy mà đến giờ, các thế hệ học trò xưa nhớ tôi nhiều lắm. Có những người đã trưởng thành, có gia đình nhưng vẫn nhớ đến “ông thầy khùng” năm nào”- thầy Quyết xúc động kể lại.
“Mình dạy môn phụ nhưng đừng để học sinh phụ mình”
"5 năm đầu đi dạy nản lắm, năm nào tôi cũng viết đơn xin chuyển công tác. Nhưng các thầy cô cứ động viên, khuyên nhủ tôi cố ở lại.
Và tôi cố gắng mãi. Đến khi hiểu được ngôn ngữ của các em, dễ dàng tiếp cận học trò, tôi lại càng say với nghề và quyết tâm bám trụ nơi đây”- thầy Quyết chia sẻ.
Là giáo viên Lịch sử, thầy Mai Văn Quyết luôn tâm niệm "mình dạy môn phụ nhưng đừng để học sinh phụ mình". Phải làm sao để trước mỗi tiết học, các em luôn háo hức, đợi chờ thầy giáo lên lớp.
“Quá trình giảng dạy, tôi sử dụng tiếng Kinh kết hợp tiếng Khmer để giao tiếp với học trò. Tôi vẫn thường trêu các em: “Ông thầy này biết tiếng Khmer đấy, đừng bày trò nói xấu trong lớp nhé vì ông thầy nghe thấy hết đấy”. Nghe vậy, học trò khoái chí cười ầm, thích thú với bài giảng” - thầy Quyết hào hứng kể lại.
Nỗ lực vượt khó khăn
Hơn 33 năm gắn bó với nghề, thầy Quyết thừa nhận chưa năm nào khó khăn, vất vả như năm nay. Các em học sinh dân tộc dạy học trực tiếp vốn đã khó, nay lại phải chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến. Và trong tình huống bất đắc dĩ, cả thầy và trò đều phải nỗ lực gấp trăm, gấp nghìn lần để duy trì việc học.
“Tôi phải gọi điện cho từng em, chỉ bảo từng thao tác dù là nhỏ nhất. Thậm chí nhiều em hồn nhiên hỏi: “Thầy ơi, Zalo là gì đó?”. Tôi vừa chỉ bảo tận tay, lại phải động viên vì sợ các em thấy khó quá, nản và từ bỏ việc học.
Bù lại, khi nhìn thấy qua màn hình nhỏ, các em khoái chí lắm. Nhìn học trò phấn khởi, tôi cũng vui vô cùng và lấy đó làm động lực để tiếp tục cố gắng”.
Nhìn lại giai đoạn vừa qua, khi thầy trò chuyển sang trạng thái học trực tuyến có khó khăn, vất vả, gian truân, thầy Quyết không giấu được niềm tự hào:
“Lớp học trực tuyến của thầy trò tôi chỉ được khoảng 60% em tham dự. Nhưng với học sinh dân tộc thiểu số, con số này là sự nỗ lực, cố gắng của cả tập thể nhà trường”.
Để có những tiết học hiệu quả, thầy Quyết đã phải miệt mài sửa đổi lại toàn bộ giáo án trình chiếu, cô đọng kiến thức để học sinh cảm thấy dễ hiểu nhất. Đồng thời, hướng dẫn học trò chụp lại ảnh màn hình, chia sẻ tới những bạn không trực tiếp đến trường để cùng nhau học bài”.
Cơ duyên đưa thầy đến với mái trường THCS Nguyễn Huệ. Cơ duyên lại 1 lần nữa giúp thầy tìm được người vợ hiền tại chính mảnh đất nơi đây. Và thế là từ nơi xa xứ, thầy Quyết đã có 1 gia đình nhỏ và quê hương thứ 2.
Với tâm niệm mỗi học trò đều là đứa con thơ, thầy giáo ấy vẫn ngày đêm miệt mài, nghiên cứu, đổi mới để "gieo con chữ" cho học sinh dân tộc dù con đường phía trước còn muôn vàn khó khăn.
Hơn 33 năm gắn bó với nghề, thầy giáo Mai Văn Quyết đã vinh được trao tặng:
- Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục
- Kỷ niệm chương vì sự nghiệp công đoàn
- Kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ