Quan điểm của phụ huynh về Ban đại diện cha mẹ học sinh
Mới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Quận 12 (TPHCM) có văn bản kế hoạch về việc kiểm tra công tác vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài trợ giáo dục và kinh phí hoạt động hội phụ huynh của 40 trường trong thời gian hai năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024.
Thông tin này nhận được nhiều ý kiến đồng tình, song bày tỏ mong muốn việc làm trên sẽ áp dụng đối với các Ban đại diện cha mẹ học sinh hiện nay.
Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, chị Nguyễn Thuỳ Dương - phụ huynh có con học tiểu học tại quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: "Ban đại diện cha mẹ học sinh cần được kiểm tra thường xuyên để minh bạch các khoản thu, phụ huynh sẽ yên tâm khi nắm biết được quỹ lớp hay chi phí cho các hoạt động được tổ chức thế nào".
Trái ngược với ý kiến của chị Dương, anh Phạm Xuân Lộc - phụ huynh tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) nhìn nhận: "Theo tôi, ban đại diện cha mẹ học sinh không nên tham gia vào hoạt động thu quỹ, kêu gọi quỹ lớp. Càng không nên để việc thu tiền tới tay các giáo viên, tôi thấy những gì liên quan đến tiền bạc thì nên giao riêng cho bộ phận tài chính của nhà trường".
Lí giải về việc Ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên không nên phụ trách việc quỹ lớp, anh Lộc cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh cần làm tốt vai trò thể hiện tiếng nói, quan điểm của phụ huynh trong việc phối hợp với nhà trường giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em, hay các vấn đề về sức khỏe, hạnh phúc của học sinh.
"Ban đại diện cha mẹ học sinh cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh, giúp đỡ, quan tâm các học sinh. Còn với các giáo viên, theo tôi, cần tránh việc thầy cô nhắc chuyện thu tiền học sinh vì họ làm việc chuyên môn rất vất vả, không nên đảm đương thêm việc thu tiền quỹ lớp" - phụ huynh thẳng thắn nói.
Không nên để giáo viên nhắc đến chuyện tiền bạc
Liên quan tới vấn đề, giáo viên có nên thu quỹ lớp hay không, Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên - chuyên gia lĩnh vực giáo dục, thành viên Hiệp hội giáo viên giảng dạy tiếng Anh Canada - nêu quan điểm, việc thu học phí, các loại phí khác là công việc của bộ phận hành chính của trường học. Không nên để giáo viên làm công việc thu tiền của học sinh hay cha mẹ học sinh.
"Để giáo viên thu tiền sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo, làm mất đi sự tôn nghiêm của nghề giáo khi công việc thực sự của giáo viên là tập trung vào việc giáo dục trẻ em.
Theo tôi, trường học ở Việt Nam hoàn toàn có thể thu học phí và các khoản phí thông qua chuyển khoản, như vậy minh bạch hơn, dễ kiểm soát hơn" - ông Nguyên cho hay.
Cũng theo ông Nguyên, Bộ GDĐT nên xây dựng cơ chế để phụ huynh, học sinh, cựu học sinh có thể đóng góp xây dựng nhà trường thông qua các khoản tài trợ.
"Đây là một thông lệ tốt ở các trường phổ thông, trường đại học ở Mỹ khi phụ huynh có điều kiện, hoặc cựu học sinh thành đạt có thể đóng góp những khoản rất lớn để xây dựng trường tốt hơn. Các khoản đóng góp này được quản lý, kiểm toán, báo cáo minh bạch theo quy trình nhằm quản lý mâu thuẫn lợi ích" - ông Nguyên nói.