Tỷ giá 1 USD hôm nay bằng bao nhiêu VND?
Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.927 VND/USD.
Tỷ giá USD chợ đen hôm nay ở mức 24.050 - 24.420 đồng (mua - bán).
Tỷ giá USD Vietcombank hôm nay niêm yết ở mức 24.050 đồng - 24.420 đồng (mua vào - bán ra).
Tỷ giá Euro Vietcombank hiện ở mức 25.752 đồng - 27.166 đồng (mua vào - bán ra).
Tỷ giá Yên Nhật hiện ở mức 157,66 đồng - 166,79 đồng (mua vào - bán ra).
Tỷ giá Bảng Anh hiện ở mức 29.598 đồng - 30.859 đồng (mua vào - bán ra).
Tỷ giá Nhân dân tệ hôm nay ở mức 3.322 đồng - 3.464 đồng (mua vào - bán ra).
Giá USD hôm nay
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), ghi nhận ở mức 103,35 điểm.
Đồng USD trượt giá so với rổ tiền tệ do có tin tức về hoạt động kinh doanh ổn định của Hoa Kỳ trong tháng 11. Tuy nhiên trong khối tư nhân, hoạt động kinh doanh lại giảm do dự đoán về sự suy thoái kinh tế trong quý IV.
Lượng giao dịch ở mức tương đối hạn chế khi thị trường Hoa Kỳ đóng cửa sớm một ngày sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn của Hoa Kỳ.
Michael Brown, nhà phân tích thị trường tại Trader X, cho biết: “Tình hình giao dịch cực kỳ yên tĩnh. Thanh khoản vẫn khá mỏng và khối lượng giao dịch lại ở mức thấp. Đây là trường hợp điển hình về việc thị trường đi theo 'con đường ít trở ngại nhất'".
Chỉ số sản lượng PMI tổng hợp của Mỹ không thay đổi ở mức 50,7 trong tháng này. Hoạt động của lĩnh vực dịch vụ tăng nhẹ đã bù đắp cho sự sụt giảm trong sản xuất. Chỉ số trên 50 cho thấy sự mở rộng trong khu vực tư nhân.
Việc thiếu tăng trưởng đơn hàng đã dẫn đến tình trạng sa thải nhân công. Chỉ số việc làm giảm từ 51,3 xuống 49,7 - lần giảm đầu tiên kể từ tháng 6.2020.
Thị trường lao động nới lỏng được cho sẽ hỗ trợ cuộc chiến chống lạm phát của FED.
Jane Foley, chuyên gia ngoại hối tại Rabobank, phân tích: “Dữ liệu kinh tế đã tạo ra nhiều bằng chứng về suy thoái theo chu kỳ ở Mỹ”.
Chỉ số DXY giảm 0,4 % xuống 103,35, gần mức thấp nhất trong 2 tháng rưỡi là 103,17 chạm vào đầu tuần này. Trong tuần, chỉ số này đã giảm 0,5%, sau khi giảm 1,9% vào tuần trước.
Chỉ số USD Index đang trên đà đạt ghi nhận hoạt động hàng tháng yếu nhất trong một năm. Nguyên nhân do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ hoàn tất việc tăng lãi suất và có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm tới.
Ở những nơi khác, đồng Yên gần như không đổi ở mức tỷ giá 149,45 JPY/USD sau khi tăng mạnh nhờ tốc độ tăng trưởng giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản khả quan trong tháng 10.
Dữ liệu củng cố quan điểm lạm phát dai dẳng có thể khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phải hủy bỏ các biện pháp kích thích tiền tệ trong thời gian dài.
Các nhà kinh tế của ING kỳ vọng BOJ sẽ rời bỏ quan điểm "siêu thích ứng" vào năm tới: “Chúng tôi tin rằng BOJ có thể loại bỏ chương trình đường cong lợi suất sớm nhất vào quý đầu tiên của năm tới, vì trái phiếu chính phủ Nhật Bản dường như đã ổn định. BOJ sẽ bắt đầu tăng lãi suất lần đầu tiên vào quý II/2024 nếu tăng trưởng tiền lương tiếp tục tăng tốc vào năm sau".
Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI) trên toàn Nhật Bản, không bao gồm chi phí thực phẩm tươi sống dễ biến động, đã tăng 2,9% so với cùng kỳ trong tháng 10.
Đồng Euro tăng 0,39% ở mức tỷ giá 1,0946 EUR/USD do nền kinh tế Đức suy giảm nhẹ trong quý III so với ba tháng trước đó.
Đồng tiền chung châu Âu đang bình ổn sau khi tăng điểm vào thứ Năm nhờ một loạt khảo sát sơ bộ cho thấy suy thoái ở Đức có thể nhẹ hơn dự kiến. Điều này bù đắp cho kết quả lạc quan về hoạt động kinh doanh của Pháp.
Đồng Bảng Anh tăng 0,57% lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 9. Các công ty Anh đã tăng trưởng trở lại vào tháng 11, làm dấy lên hy vọng nước Anh sẽ tránh được suy thoái kinh tế.