Hà Nội, Thái Nguyên, Sơn La, Thái Bình, Hà Nam… là những địa phương có giá lợn hơi tăng “sốc” trong 1 tháng qua. Từ 2 ngày nay, hiện tượng tăng giá đã chững lại và giá lợn hơi neo ở mức 72.000 - 78.000 đồng/kg tùy từng địa phương. Trong đó, tại các tỉnh Hưng Yên, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, lợn hơi đang được thu mua ở mức 76.000 đồng/kg; còn tại Sơn La, Vĩnh Phúc, Phú Thọ giá thấp hơn, từ 72.000 - 74.500 đồng/kg.
Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi ổn định. 3 tỉnh có mức giá cao nhất miền Trung trong tháng qua là Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, nay đã ghìm được đà tăng nhưng giá vẫn neo cao ở mức khoảng 76.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Quảng Trị rẻ hơn, khoảng 70.000 đồng/kg. Tại Tây Nguyên, giá lợn hơn thấp nhất, đang ở mức từ 58.000 - 69.000 đồng/kg tùy từng địa phương.
Tại các tỉnh phía Nam, giá lợn hơi ở mức 68.000 - 76.000 đồng/kg. Trong đó, tại Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, giá 68.000-70.000 đồng/kg (tăng 2.000 - 4.000 đồng/kg tùy nơi, trong đó Hậu Giang tăng cao nhất là 4.000 đồng/kg).
Giá lợn hơi cao nhất tại Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre dao động từ 73.000 – 75.000 đồng/kg. Ngược với đà tăng, giá lợn hơi tại TPHCM đã giảm nhẹ 1.000 đồng/kg và hiện được bán ra với mức 69.000 đồng/kg.
Cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn của người Việt Nam hiện nay, thịt lợn luôn chiếm 65-70% và lượng cung hạn chế đã ảnh hưởng đến thị trường. Việc thịt lợn tăng giá đã ảnh hưởng đến giá các mặt hàng thực phẩm khác. Trong đó, ngày 18.11.2019, tại các chợ dân sinh, tư thương đã nâng giá thịt gia cầm, thủy sản tăng từ 10-15%. Đặc biệt, giá trứng tăng khá mạnh, tăng khoảng 300-500 đồng/quả. Giá thịt bò cũng tăng từ 5-10%.
Về vấn đề các thực phẩm khác đồng loạt bị tăng giá trong tuần qua chỉ là hiện tượng tư thương “tát nước theo mưa” khi thấy giá thịt lợn tăng cao. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - khẳng định: Nguồn cung thịt lợn không thiếu, trong khi đó, các thực phẩm khác như thịt gia súc ăn cỏ, gia cầm, trứng, sữa… đều tăng sản lượng, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, thì việc các tư thương lợi dụng giá thịt lợn tăng để tăng giá thịt bò, gà, cá, trứng… là không thỏa đáng.
Theo Cục Thú y, đến thời điểm này, có trên 5,7 triệu con lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi, chỉ chiếm 8,5% tổng trọng lượng thịt lợn. Nên việc thương lái mượn lý do thiếu nguồn cung để thổi giá thịt lợn chỉ là chiêu trò để trục lợi.