Ngay đầu mùa nắng nóng, khi có nhiều ý kiến về tiền điện trong hoá đơn tăng bất thường, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã lên tiếng giải thích: Khi vào mùa nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn.
Các Tổng công ty Điện lực đã thông tin lưu ý khách hàng khi điện năng tiêu thụ tăng cao so với tháng trước, để khách hàng chủ động kiểm tra việc sử dụng điện của mình, được ghi chú trong thông báo tiền điện gửi đến khách hàng.
Theo chỉ đạo của EVN, các Tổng công ty điện lực thực hiện phúc tra chỉ số công tơ do bộ phận độc lập thực hiện với 100% hóa đơn có mức tăng trên 30%, trước khi phát hành tới khách hàng.
Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình vẫn cho rằng công tơ điện tử hiện nay là chưa chính xác, thậm chí nghi ngờ. Bạn đọc Nguyễn Văn Hải gửi ý kiến: “Từ ngày thay cái công tơ điện tử tiền điện tăng dần đều, nghi ngờ điện lực điều khiển được tất cả công tơ điện tử bằng phần mềm”. Một bạn đọc khác bình luận “Công tơ điện giờ có thể điều khiển từ xa thì làm sao dân giám sát được”.
Bạn đọc Bùi Lan cho hay: “Tôi đã thử lắp thêm công tơ trong nhà thì có chênh lệch nhau hỏi bên điện lực họ trả lời chênh nhau là do tiêu hao đường dây từ công tơ vào trong nhà trong khi dây bọc chứ không phải trần”.
Thực tế tâm lý thì có nhiều ý kiến hoài nghi về sự tác động để làm thay đổi chỉ số công tơ điện tử.
Mặc dù vậy, đây có thể chỉ là vấn đề tâm lý, các chuyên gia về thiết bị điện tử cho rằng việc cơ quan điện lực tác động để công tơ điện tử quay nhanh hơn là không thể. Lý do, các thiết bị khi lắp cho khách hàng đều có tem kiểm định và giấy chứng nhận, nghĩa là do bên thứ ba cung cấp chứ ngành điện không sản xuất công tơ. Bởi thế không thể có khả năng cài chip hay phần mềm để làm tăng chỉ số công tơ điện tử.
Mặt khác EVN cũng chỉ đạo thực hiện phúc tra chỉ số công tơ do bộ phận độc lập thực hiện với 100% hóa đơn có mức tăng trên 30%, trước khi phát hành tới khách hàng.
Về giải pháp, anh Anh Dũng- một bạn đọc của Lao Động cũng đặt vấn đề: EVN cần phải ứng dụng công nghệ số cho phép khách hàng truy cập kiểm tra chỉ số điện năng tiêu thụ hàng ngày để tránh sai số khi chốt chỉ số điện năng tiêu thụ của các hộ gia đình mỗi tháng.