Hiến kế tìm thủ phạm
Bạn đọc Nguyễn Thanh Sang thắc mắc: “Tháng 4 cách ly xã hội con cái ở nhà thì xài 586 kWh điện. Tháng 5 hết cách ly thì được thông báo hết 731kWh điện. Tôi không tin là do điều hoà”.
Còn anh Trần Thanh Sơn phân tích: “ Vấn đề hóa đơn tiền điện cao không phải thủ phạm là máy điều hòa mà thủ phạm thực sự là giá điện bậc thang không hợp lý, sau 200 Kwh đầu tiên giá điện đã tăng gần 1.7 lần, nên trung bình mỗi gia đình sử dụng khoảng 250 kWh (mức rất tối thiểu) thì giá 50 Kwh cuối cùng là 141.700 đồng (chưa VAT) so với mức cơ bản 83.900 đ của 50 kWh đầu tiên. Ngành điện nên xem lại cấu trúc bậc thang cho hợp lý”.
Để tìm đúng thủ phạm theo một số bạn đọc thì cần tìm ra cách hợp lý để đối chiếu.
Bạn đọc Nguyễn Trai chia sẻ: “Công tơ điện còn lắp trên cột cao thì còn thắc mắc và nghi ngờ sự minh bạch. Chỉ khi công tơ điện được lắp trước cửa mỗi hộ thì sự nghi ngờ sẽ mất. Người sử dụng có thể giám sát lượng điện tiêu thụ của mình mỗi ngày và có ý thức tiết kiệm. Vậy tại sao nhà điện lại muốn công tơ gia đình để trên cột cao khiến người sử dụng điện không kiểm soát được?”
Một bạn đọc khác sau khi đọc bài “Người dân sốc với hoá đơn tiền điện: “Thủ phạm” do máy điều hoà? " thì đặt vấn đề: “Nếu mỗi nhà đều lắp thêm một Công tơ Cơ khí trong nhà liền sau Công tơ điện Tử (CTĐT) treo ngoài trụ điện để dễ giám sát mức độ tiêu thụ điện năng trong nhà mình và cũng để đối chiếu so sánh với cái CTĐT bên ngoài thì sẽ không còn cảnh khúc mắc khiếu nại như hiện tại nữa bởi giá điện có sẵn nên mua nhiều trả tiền nhiều mua ít thì trả ít rõ ràng ra đó thôi. Chú ý lắp thêm phải là công tơ cơ khí".
Nên có một đơn vị độc lập vào cuộc kiểm tra
Trao đổi với Lao Động về việc hoá đơn tiền điện tăng đột biến, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, vào mùa nóng, việc sử dụng quạt hay điều hòa, lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn mùa lạnh, vì nhiệt độ tỏa nhiệt để làm dịu không khí nhiều hơn so với bình thường. Đặc biệt, với chính sách giá điện bậc thang hiện nay, nếu sản lượng điện tiêu thụ của các hộ tiêu dùng trong tháng tăng gấp đôi, thì tiền điện sẽ tăng tương ứng gấp 3 hoặc hơn gấp 3 lần. Đó là nguyên nhân khiến hoá đơn điện tăng cao.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, hiện nay việc tính giá điện theo bậc thang sẽ khuyến khích người dân tiết kiệm điện, song, cũng có những hạn chế nhất định. Theo đó, việc nhiều bậc, nhiều mức giá đã gây ra những khó khăn trong ghi chỉ số công tơ, trong thanh toán tiền điện với khách hàng, trong việc theo dõi tính toán kiểm tra của người tiêu dùng điện đối với việc sử dụng điện theo nhiều bậc thang hàng tháng của mình.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, giá điện được đánh theo lũy tiến, sử dụng càng nhiều tiền đóng càng cao. Cách làm này giúp người dân tiết kiệm điện, tuy nhiên, trong thời tiết nắng nóng, người dân sử dụng nhiều, mà cách tính lại thay đổi thì đây là cách gián tiếp làm tăng giá điện.
Để minh bạch giá điện, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nên có một đơn vị độc lập vào cuộc để rà soát, kiểm tra. Cơ quan này sẽ làm việc với EVN, nếu có dấu hiệu bất thường trong cách tính giá điện, ghi chỉ số công tơ thì có thể đề nghị một số đơn vị chức năng khác như Cục Quản lý giá, Cục Quản lý Cạnh tranh để can thiệp.