Gỡ khó cho thị trường phát hành trái phiếu
Ngày 5.3.2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế để góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt về thanh khoản, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp cân đối nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh và thanh toán nghĩa vụ trái phiếu đến hạn, đồng thời bảo đảm quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Nghị định tạo động lực cho doanh nghiệp bất động sản bình tĩnh trở lại, mặt khác cũng giúp các nhà đầu tư yên tâm chờ đợi doanh nghiệp để họ tiếp tục phát triển sản phẩm bất động sản. Đây là cơ hội cho hoạt động thị trường phát triển, bởi bất động sản liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác.
Bên cạnh các giải pháp chính sách tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nêu trên, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từng chủ thể tham gia trên thị trường tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, trong đó, doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để bảo đảm uy tín trên thị trường.
Nghị định 08 cho phép nhà phát hành có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trong trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn theo phương án phát hành đã công bố. Điều này được xem có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp phát hành trong bối cảnh áp lực đáo hạn vẫn còn lớn.
Kéo dài kỳ hạn trái phiếu – nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng “win”
Theo VNDirect, từ tháng 3 đến cuối tháng 6, hơn 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu với tổng giá trị hơn 42.000 tỉ đồng. Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect, thời gian gia hạn các lô trái phiếu gần đây rất đa dạng, từ 1 tháng đến 2 năm. Lãi suất cũng được thỏa thuận tăng 0,5-3% so với lãi suất ban đầu.
Theo thống kê của Vinacapital, hiện đã có khoảng 12% trái phiếu chậm thanh toán đã được khắc phục; khoảng 60% trái phiếu chậm thanh toán tổ chức phát hành đang đàm phán với trái chủ để tiếp tục xử lý.
Trong bối cảnh đó, Công ty Cổ phần KITA Invest đã ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của doanh nghiệp để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. KITA Invest đã chi 1.600 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đang lưu hành thuộc 5 lô KITA.BOND2020.01; KITA.BOND2020.02; KITA.BOND2020.04; KITA.BOND2020.05; KITA.BOND2020.06.
Để đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển của công ty, KITA Invest có kế hoạch kéo dài kỳ hạn 2 lô trái phiếu KITA.BOND2020.07-KITA.BOND2020.08 trị giá 400 tỉ đồng, thời gian dự kiến 12 tháng.
Việc dự kiến kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 12 tháng để phù hợp với chiến lược hoạt động và phát triển chung của công ty. Bên cạnh đó, KITA Invest không nợ quá hạn, việc kéo dài kỳ hạn trái phiếu tuân thủ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và được trái chủ đồng thuận.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc kéo dài kỳ hạn trái phiếu được coi là chiến lược hợp lý trong thời điểm thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Việc này giúp doanh nghiệp bất động sản có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền. Thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.