Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 28.12.2023, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành kinh tế đạt 13,5%.
Theo đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
"Ngân hàng Nhà nước có thể đặt mục tiêu cao hơn 15%, thậm chí 16% nếu như nền kinh tế, doanh nghiệp cần tín dụng" - ông Đào Minh Tú cho biết.
Theo ông Tú, việc Vụ Chính sách tiền tệ ký thông báo cấp hạn mức tín dụng 1 lần trong năm, sẽ giúp các ngân hàng thương mại có mục tiêu để phấn đấu. Việc đạt được hạn mức tín dụng này là trách nhiệm của ngành ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - cho biết, Ngân hàng Nhà nước đánh giá khó khăn của năm 2023 vẫn sẽ tiếp tục cho đến năm 2024.
Nhìn vào các yếu tố tăng trưởng vĩ mô, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng đến 15% và cấp hết 1 lần cho các ngân hàng thương mại, giúp cho nền kinh tế tăng trưởng ngay từ đầu năm.
"Quyết định này của Ngân hàng Nhà nước là giải pháp rất quyết liệt, sáng tạo trong việc thúc đẩy nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế" - ông Quang nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại buổi họp báo, ông Quang cũng lý giải lý do lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm chưa đồng tốc. Theo đó, trong cấu trúc bảng cân đối tài sản, có đến 80% là nguồn vốn huy động ngắn hạn nhưng có đến 50% dư nợ cho vay của các ngân hàng là trung và dài hạn. Vì vậy lãi suất cho vay giảm có độ trễ hơn lãi suất huy động.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, hiện lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại với các giao dịch mới phát sinh là 3,9%/năm; còn lãi suất cho vay bình quân cho các giao dịch mới phát sinh là 6,7%/năm.