MINISO bán hàng nhập khẩu không có nhãn phụ, đánh đố người tiêu dùng

Linh Linh |

Mặc dù thương hiệu MINISO đã chính thức “đặt chân” vào thị trường bán lẻ Việt Nam từ tháng 9.2016 nhưng theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, nhiều mặt hàng nhập khẩu được bày bán tại chuỗi cửa hàng của công ty này vẫn không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt và không dán tem hợp quy CR theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhãn hàng hóa khiến người tiêu dùng hoang mang và lúng túng khi mua hàng.

Bán hàng nhập khẩu không có nhãn phụ

Theo khảo sát của PV tại một số cửa hàng Miniso trên phố Thái Hà, Xuân Thủy, Hàng Ngang (Hà Nội), nhiều mặt hàng tiêu dùng, thời trang, mỹ phẩm, đồ dùng tiện ích gia đình, phụ kiện điện tử... được bày bán đa dạng. Tuy nhiên, dù bao bì sản phẩm được in “chi chít” chữ tiếng Nhật song không khó để nhận ra hàng đều được sản xuất tại Trung Quốc khi dòng chữ “Made in China” được in công khai sau mỗi sản phẩm.

Điều đáng nói là dù bán hàng nhập khẩu từ Trung Quốc song các sản phẩm không hề được dán tem nhãn phụ thể hiện những thông tin cần thiết bằng tiếng Việt về thành phần, tính năng, cách sử dụng, cảnh báo, xuất xứ hàng hóa, nhà nhập khẩu… Thay vào đó, trên mỗi sản phẩm chỉ được dán duy nhất một tem nhãn bằng tiếng Anh ghi các thông tin trên khiến không ít người tiêu dùng lúng túng và lo lắng khi chọn mua và sử dụng. Bên cạnh đó, các sản phẩm thậm chí còn không dán tem hợp quy CR theo quy định của pháp luật VN.

Chị Thùy Chi (ở Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) cầm trên tay một sản phẩm làm đẹp bày tỏ lo ngại: “Nhiều sản phẩm không hề có nhãn mác tiếng Việt chả khác nào “đánh đố” người tiêu dùng, tôi chẳng biết công dụng của sản phẩm này là gì. Mua cái gì tôi cũng phải quay sang hỏi nhân viên bán hàng giải thích, rất bất tiện”.

Có thể xử phạt ngay

Theo các chuyên gia, việc không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt trên sản phẩm nhập khẩu đã vi phạm Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng, gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, thành phần, cách sử dụng và bảo quản, nhận biết hàng thật, hàng giả...

Cụ thể, theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa có quy định: “Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Tem phụ là một loại tem nhãn được dán chắc chắn trên hàng hóa hoặc bao bì sản phẩm để thể hiện các thông tin cần thiết về hàng hóa bằng tiếng VN đính kèm theo nhãn nguyên gốc bằng tiếng nước ngoài trước khi đưa ra bán hoặc lưu thông trên thị trường. Tem phụ có chức năng giúp cơ quan hải quan, công an và người tiêu dùng kiểm soát, phân biệt được với hàng hóa nhập lậu. Trên nhãn phụ phải chứa đựng đầy đủ các thông tin sau đây: Hướng dẫn sử dụng; Thành phần công thức đầy đủ, Tên nước sản xuất; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích; Số lô sản xuất; Ngày sản xuất ...

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - cho biết, trong quý II/2017, Bộ KHCN đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các văn bản: Nghị định 43/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn nữa. Liên quan đến quy định về nhãn hàng hóa, ông Linh cho biết hiện đang phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ, trình Chính phủ Nghị định mới thay thế Nghị định 80 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trong đó có nội dung vi phạm về nhãn hàng hóa. “Hiện đa số đều thống nhất với các đề xuất, nội dung thay thế của Bộ KHCN, chúng tôi đang tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo, phấn đấu trong tháng này trình Chính phủ để sớm ban hành” - ông Linh cho hay. Ông Linh cho biết, riêng các hành vi liên quan đến vi phạm công bố hợp quy và sử dụng dấu hợp quy có thể tiến hành xử phạt ngay chứ không cần phải chờ đến khi Nghi định thay thế Nghị định 80 được ban hành. Về trường hợp của MINISO, ông Linh cho hay: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các Chi cục cũng như các cơ quan liên quan cùng xem xét xử lý nếu thực sự các sản phẩm đó thuộc đối tượng của quy chuẩn kỹ thuật mà không công bố hợp quy, không đóng dấu hợp quy để người tiêu dùng biết” - ông Linh khẳng định.

 

Linh Linh
TIN LIÊN QUAN

Cận cảnh hố tử thần sâu hơn 1m xuất hiện sau mưa lớn ở TPHCM

TÂM QUỲNH |

TPHCM - Đường số 5, số 2, số 4, Trương Văn Hải… phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức sụt lún nghiêm trọng sau cơn mưa lớn vào tối 8.10.

Giáo viên đi vắng, lớp trưởng mầm non đánh 6 bạn bầm tím

QUANG ĐẠI |

Nghệ An – Trong khi giáo viên ra ngoài, một lớp trưởng mầm non ở huyện Nghĩa Đàn đã dùng ống nhựa đánh 6 bạn học bầm tím.

Có tình trạng nhà ở xã hội được mua bán bởi người giàu

PHẠM ĐÔNG |

Có tình trạng nhà ở xã hội được mua bán, trao đổi, cho thuê bởi những người giàu, thậm chí cả người nước ngoài mà không phải người lao động thu nhập thấp.

Nhà văn hóa xã ở Hải Phòng xuống cấp, hoạt động cầm chừng

Mai Dung |

Hải Phòng - Nhiều năm đi vào hoạt động, Nhà văn hóa xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày càng xuống cấp.

Israel lên tiếng về số phận của thủ lĩnh kế nhiệm Hezbollah

Bùi Đức |

Trong bối cảnh truyền thông quốc tế đồn đoán rằng thủ lĩnh kế nhiệm Hezbollah đã bị tiêu diệt, Israel chính thức xác nhận thông tin này vào ngày 8.10.

Bắc Ninh triển khai khu công nghệ thông tin tập trung 274ha

Vân Trường |

Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Bắc Ninh dự kiến rộng 274ha. Quy mô về số lượng lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 20.000 người.

Xót xa những vườn đào Tết bị phá hoại, thiệt hại cả tỉ đồng

Quỳnh Trang - Hương Giang |

Gần 300 gốc đào bích chuẩn bị bán Tết có giá trị hàng triệu đồng mỗi cây của người dân tại Hà Nội đã bị kẻ gian dùng dao chặt cành, phá hoại.

Thủ phạm phá hoại Nord Stream "gieo gió gặt bão"

Ngọc Vân |

Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) cho rằng đường ống dẫn khí Nord Stream bị phá hoại là để chia rẽ châu Âu.