Tín dụng năm 2024 sẽ tăng trưởng đến đâu?
Theo báo cáo chiến lược mới công bố của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), ngành ngân hàng trải qua một năm với nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế kém khả quan.
Nói về động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2024, KBSV dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2024 xoay quanh mức 12-13% trong bối cảnh triển vọng kinh tế chung chưa hồi phục quá mạnh.
"Động lực tăng trưởng chủ yếu sẽ đến từ mặt bằng lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu tín dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất cùng với kỳ vọng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phát huy tác dụng, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, yếu tố từ những vướng mắc về pháp lý trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục được tháo gỡ, giúp thị trường này sớm đi qua giai đoạn suy thoái. Một động lực khác đến từ thị trường trái phiếu cần thêm thời gian từ 2-3 năm nữa để quay trở lại tăng trưởng mạnh như trước đây, trong khi đó kênh huy động vốn qua ngân hàng sẽ vẫn được ưu tiên" - KBSV cho biết.
Đơn vị này nhận định, ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ còn phải đối diện với một vài khó khăn trong thời gian tới, nhưng nhìn chung, bức tranh tổng thể của toàn ngành đã xuất hiện nhiều điểm sáng. Đáng chú ý, khi bất động sản phục hồi, một số ngân hàng sẽ được hưởng lợi và trên cơ sở đó, sẽ có mức tăng trưởng hấp dẫn.
Cùng dự báo về triển vọng của ngành ngân hàng, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (VCBS) cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục duy trì mức 12% trong năm 2024.
"Tăng trưởng tín dụng chịu áp lực từ nền kinh tế và thị trường bất động sản chậm phục hồi, tuy nhiên mặt bằng lãi suất hạ nhiệt xuống mức thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn, đặc biệt là tín dụng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Danh mục trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng dự kiến duy trì ổn định" - báo cáo phân tích nêu rõ.
Nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro có xu hướng tiếp tục tăng
VCBS nhận định, tỉ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến sẽ chưa tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2024 nhờ Nghị định 08 hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và Thông tư 02 cho phép tái cơ cấu các khoản vay.
Dù báo cáo tài chính quý IV của các ngân hàng chưa được công bố nhưng nhìn lại thời điểm cuối quý III/2023, tỉ lệ nợ xấu nội bảng (nợ xấu tại các ngân hàng) tăng lên 2,2% từ mức 1,6% cuối năm 2022.
Tỉ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) cũng tăng lên 2,3% từ mức 1,8% cuối 2022 tuy nhiên đã giảm theo quý khi một phần nợ quá hạn chuyển sang danh mục tái cơ cấu.
Tỉ lệ nợ ngoại bảng VAMC của các ngân hàng niêm yết ở mức 0,32%, bao gồm khoảng 0,22% đến từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE).
Tuy nhiên, theo VCBS, hoạt động xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản vẫn trầm lắng và bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 hết hạn vào 31.12.2023 trong khi Luật các Tổ chức Tín dụng sửa đổi chưa được thông qua tạo ra khoảng trống pháp lý cho việc xử lý nợ xấu.