Giá thực phẩm đùng đùng “phi mã” theo giá xăng dầu
Sáng 22.6.2022, một ngày ngay sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, giá thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa đã tăng giá.
Trao đổi với PV Lao Động, nhiều tiểu thương tại các chợ cho hay, sáng 22.6, giá hầu hết các mặt hàng bán buôn tại chợ đầu mối đã “đùng đùng phi mã”.
“Giá thịt lợn đã tăng thêm 2-3 giá, ở mức 85.000 đồng/kg móc hàm. Giá cà chua, hành, bí, khoai sọ cùng tăng thêm 5.000 đồng/kg, các loại rau ăn lá tăng thêm 3.000-4.000 đồng/bó, hầu như mặt hàng nào cũng tăng giá” – chị Nguyễn Thị Nhung (kinh doanh thực phẩm tại Mê Linh, Hà Nội), thông tin.
Bà Nguyễn Thị Tình, kinh doanh thực phẩm ở chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho hay: Hàng hóa bán ra rất chậm, người dân hầu như đều thắt chặt chi tiêu vì lo lắng giá xăng có thể tiếp tục tăng đẩy giá thực phẩm tăng thêm”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan – kinh doanh thực phẩm tại chợ Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), giá thịt gia cầm cũng tăng thêm từ 5.000-10.000 đồng/kg, trong đó gà ri nguyên lông đã bán ra với mức 165.000 – 170.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với 3 tháng trước.
“Không chỉ giá gia cầm tăng, mà các loại trứng gia cầm cũng tăng rất mạnh. Trứng gà ta đã tăng khoảng 1.000 đồng/quả” – bà Lan nói.
Sáng 22.6.2022, khảo sát của PV Lao Động tại một số chợ dân sinh cho thấy, giá thực phẩm ở mức cao “chóng mặt”: Cà chua loại nhỏ bán ra với giá 30.000 đồng/kg, loại to: 40.000 đồng/kg; hành lá: 40.000 đồng/kg; các loại rau muống, ngót, cải mơ: 18.000-22.000 đồng/mớ; bí đao, đậu quả, dưa chuột, cà rốt: 30.000 đồng/kg.
Không riêng gì thịt, cá, rau xanh, giá nhiều loại thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cũng “tát nước” tăng theo giá xăng. Tại các cửa tiệm tạp hóa, dầu ăn Simply tăng thêm 15.000 đồng/chai, bán ra ở mức 79.000 đồng/chai 1 lít; mì tôm Omachi tăng thêm 20.000 đồng/thùng, bán ra ở mức 250.000 đồng/thùng 30 gói; nước mắm Nam Ngư tăng thêm 5.000 đồng/chai, bán ra với giá 44.000 đồng/chai 750ml...
Người dân thắt chặt chi tiêu
Nhiều người tiêu dùng lo lắng khi giá xăng dầu không ngừng tăng đẩy giá thực phẩm tăng cao, trong khi thu nhập của người dân không thay đổi, thậm chí những người lao động tự do, các hộ buôn bán, kinh doanh bị giảm sút thu nhập do lợi nhuận bị giá xăng dầu “ăn lẹm”.
“Giá xăng dầu tăng khiến mỗi chuyến hàng bị phát sinh chi phí thêm khoảng 100.000 đồng, nhưng giá bán ra vẫn chỉ dám tăng vừa phải để người mua có thể chịu được. Cà chua mua vào 25.000 đồng/kg nhưng cũng chỉ dám bán ra với giá 30.000 đồng/kg, chỉ vài quả bị hỏng, dập coi như không có lãi” – ông Trần Văn Đê – kinh doanh thực phẩm tại 26 Doãn Kế Thiện (Hà Nội) giãi bày.
Còn chị Nguyễn Thị Hương – kinh doanh đậu phụ tại chợ Hàng Bè cũng chia sẻ: Mấy ngày nay tỉ lệ người mua đậu phụ tăng lên do người dân thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, giá đậu tương mua vào đã tăng khiến chị phải tăng giá đậu phụ để bù đắp chi phí. Giá đậu tăng, người mua cũng giảm số lượng để cân đối chi tiêu.
Chuẩn bị khai trương trở lại cửa hàng cơm bình dân trong tháng này sau một thời gian bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, nhưng ông Đinh Hồng Lâm (nhà 19 ngõ 86 Lý Thường Kiệt, Vinh, Nghệ An) cũng đang e ngại trước "bão giá" thực phẩm, rau xanh, dự báo là việc kinh doanh của gia đình ông sẽ rất khó khăn.
“Năm ngoái, giá cơm bán ra 25.000 đồng/suất mức lãi đã giảm gần một nửa so với năm trước, nay xăng tăng gần gấp đôi thì coi như không có lãi. Để có lãi thì phải tăng giá, nhưng khu vực này gần bệnh viện, chủ yếu phục vụ người nhà và bệnh nhân nghèo, nếu tăng giá là chắc chắn mất hết khách” – ông Lâm nói.
Những trường hợp nêu trên cho chỉ là những ví dụ nhỏ về khó khăn của người dân trước tình trạng giá xăng dầu đang đánh mạnh vào túi người tiêu dùng, đặc biệt là người làm công ăn lương, người lao động tự do thu nhập bấp bênh… Hầu hết người dân đang loay hoay tính toán để chi phí đủ cho cả gia đình trong giai đoạn khó khăn này.
“Tổng thu nhập của 2 vợ chồng chúng tôi chỉ ở mức 15 triệu đồng/tháng, năm trước mỗi tháng còn dư được vài triệu đồng, nay giá cả đắt đỏ coi như đổ hết vào sinh hoạt, không dư được đồng nào phòng lúc đau ốm” – chị Nguyễn Phương (công nhân, trú tại 15 Trịnh Hoài Đức, Vinh, Nghệ An) - chia sẻ.