Tổng cục Thuế "siết" những người có thu nhập từ Google, Facebook
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: “Cơ quan thuế vẫn thu thuế thường xuyên đối với người có thu nhập từ Google, Facebook. Trong năm 2019, 2020, số tiền thuế thu được từ các cá nhân xấp xỉ 1.000 tỉ đồng. Có trường hợp doanh nghiệp tự kê khai, có trường hợp cơ quan thuế áp dụng công tác quản lý để truy thu. Trong thời gian tới, nguồn thu từ lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh”.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đối với doanh nghiệp phát triển bền vững, họ sẽ chủ động trong việc đóng thuế tuân thủ pháp luật.
“Đối với các doanh thu từ Facebook, Amazon…, khi xây dựng Thông tư, chúng tôi có kế hoạch mời các đơn vị này vào để trao đổi, thống nhất về quan điểm, yêu cầu họ tuân thủ chính sách Việt Nam và trao đổi thông tin với cơ quan thuế,
Hiện tại thông qua những số liệu từ cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, chúng tôi tiếp tục làm việc với cá nhân và doanh nghiệp có nguồn thanh toán từ Google, Facebook...
Chúng tôi có quyền yêu cầu các doanh nghiệp khi đã đăng kí nộp thuế ở Việt Nam thì phải trao đổi thông tin cho cơ quan thuế và có thể sẽ có cơ chế cho việc thực hiện khấu trừ trước khi trả cho người dân, doanh nghiệp”, ông Đặng Ngọc Minh cho biết.
Cố tình trốn thuế có thể bị xử lý hình sự
Trước đó, đại diện của Tổng cục Thuế cho biết những cá nhân trong nước có thu nhập từ các kênh YouTube, Facebook, Google... phải có nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế.
Nếu cơ quan thuế phát hiện những cá nhân cố tình chây ỳ, không nộp thuế sẽ bị xử phạt hành chính, phạt tiền chậm nộp thuế, nặng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trốn thuế với số tiền lớn. Nếu cố tình trốn thuế thì cá nhân đó có thể sẽ bị xử tù.
Nghị định 126 cũng quy định các lập trình viên kiếm tiền từ việc viết game online, các ứng dụng trên máy tính, điện thoại hay người đăng tải các clip lên YouTube, Facebook được trả tiền có nguồn thu từ 100 triệu đồng trở lên đều phải kê khai nộp thuế. Nếu trường hợp không kê khai, trốn thuế sẽ bị phạt từ 1-3 lần số thuế phải nộp.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, doanh thu từ các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới được chia làm 3 nhóm chính. gồm bán hàng thông qua mạng xã hội; thu nhập từ hoạt động viết các ứng dụng trò chơi, quảng cáo qua các trang mạng xã hội (Facebook, YouTube...); các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...).
Trong thời gian tới, cơ quan này cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông xác định nhân thân của người nộp thuế; thu thập dữ liệu từ các công ty trung gian vận chuyển, các ứng dụng trung gian vận chuyển; dữ liệu từ các ngân hàng, ví điện tử để xác định dòng tiền.