Nhưng theo ghi nhận thực tế tại những nơi đang thực hiện thời gian gần đây cho thấy, người tiêu dùng không còn mặn mà với việc dùng điện thoại thông minh để dò “đường đi” của thực phẩm.
Tin vào siêu thị
PV Báo Lao Động đã làm 1 cuộc khảo sát nhỏ với người tiêu dùng khi họ đến mua thịt lợn tại một số điểm như siêu thị, cửa hàng bán thịt lợn của Vissan và cả tại các chợ đầu mối. Phần lớn người tiêu dùng không mấy quan tâm đến con tem truy xuất cũng như những thông tin liên quan đến việc lợn đeo vòng nhận diện.
Tại cửa hàng của Vissan (Q. Bình Thạnh), theo quan sát của PV, gần như người vào mua không còn nhớ đến việc dán tem và truy xuất nguồn gốc thịt heo thông qua tem nữa. Họ mua cái mình cần và thanh toán ngay sau đó, người bán cũng không đưa tem cho người mua. Khi được hỏi tại sao không truy xuất nguồn gốc, 1 người mua hàng trả lời, mua vì tin tưởng thương hiệu và cam kết của doanh nghiệp, chứ truy xuất liệu có giải quyết được vấn đề hay không.
Tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, nơi người mua chủ yếu để mang ra bán lẻ tại các chợ truyền thống, chợ cóc lại càng không quan tâm đến chiếc vòng nhận diện của những con heo.
Không chỉ thịt lợn mà ngay cả rau, củ, quả hay thịt, trứng gia cầm, người dân cũng không còn mặn mà truy xuất nguồn gốc. Bà Nguyễn Thúy Anh (quận Bình Thạnh) cho rằng, khi mua rau củ, quả, bà chỉ tập trung vào việc xem mặt hàng đó có tươi, còn nguyên vẹn hay không, kế đến là giá cả. Còn việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì chỉ nghe nói để biết, chứ chưa có ý định “truy”.
Nhiều người nội trợ cho rằng, đã chọn siêu thị mua hàng mà còn phải truy xuất, “soi” nguồn gốc thì thật phiền phức.
“Khi người tiêu dùng mua sắm ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nghĩa là họ đã đặt niềm tin vào nơi bán hàng. Hơn nữa, giá cả ở đây cao hơn so với chợ lẻ, hàng cũng có nguồn gốc thông qua các khâu kiểm dịch thì còn kiểm tra làm gì? Nơi cần phải “soi” là chợ truyền thống, chợ công nhân… thì lại chưa thấy cơ quan nào quan tâm” - chị Phạm Thị Phương (quận 3) - đặt vấn đề.
Truy xuất từ ngọn
Lâu nay, dư luận cho rằng, thịt heo hay rau, củ, quả và thịt, trứng gia cầm có “chứng minh thư” liệu đã an toàn? Mà cụ thể là vụ khoảng 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại lò giết mổ Xuyên Á - lò mổ lớn nhất TPHCM - được các cơ quan chức phát hiện vào gần cuối năm 2017.
Đáng nói, trong số gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ này, có rất nhiều con lợn có đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, cái mã QR (tem truy xuất) chỉ cần dùng phần mềm có sẵn là tạo ra được, sau đó muốn in bao nhiêu thì in.
Đáng lo ngại, mã đó dán lên bất kỳ vật nào hay con vật nào cũng cho ra 1 kết quả. Có nghĩa là, hoàn toàn có khả năng mã là thật, còn con vật/sản phẩm kia có trời mới biết có “đúng là nó” hay không.
Ngay cả các cơ quan chức năng của TPHCM cũng phải thừa nhận, nhiều thương lái hiện chỉ đeo vòng truy xuất cho lợn một cách đối phó. Thậm chí, người ta còn làm giả các vòng truy xuất, có vòng nhưng khi kiểm tra thì không kích hoạt được. Chuyện tương tự cũng xảy ra ở thị trường rau quả ở TPHCM.
Có tem truy xuất nguồn gốc, nhưng mạnh ai nấy dán, thậm chí, nhiều siêu thị còn yêu cầu các cơ sở sản xuất rau cung cấp tem (tự in) để siêu thị dán cho nhanh. Ai đảm bảo trong những bó rau được ghi là rau an toàn kia, có bao nhiêu phần trăm là rau “bẩn” trà trộn nhằm mang lại lợi nhuận lớn hơn cho những đối tượng làm ăn gian dối?
* Theo TS. Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM - đơn vị cung cấp ứng dụng truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thịt và trứng gia cầm: “Việc dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm thực ra là công cụ để người tiêu dùng biết được nguồn gốc sản phẩm, quan trọng nhất vẫn là vai trò của Ban An toàn Thực phẩm và Thú y - những đơn vị kiểm soát, kiểm tra trực tiếp thực phẩm. Ngoài ra, với quy trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm, chúng ta sẽ biết sản phẩm bị lỗi ở khâu nào? Bị can thiệp như thế nào mà từ đó khoanh vùng để xử lý”.
* Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM: Muốn biết thịt lợn có thực sự sạch, an toàn hay không thì phải chờ đến giai đoạn 2. Còn bây giờ, người tiêu dùng chỉ mới biết nguồn gốc thịt từ đâu, còn lợn được cho ăn gì thì bây giờ chưa truy xuất được.