Chị Lê Hồng Vân là nhà sáng lập Công ty TNHH Joy Việt Nam (Joy.vn) chuyên sản xuất các thực phẩm sạch truyền thống như bánh đa, chè lam, bánh phồng gạo... Hiện, sản phẩm của Joy đã có mặt ở nhiều chuỗi thực phẩm sạch, siêu thị lớn như Vinmart tại TP.Hà Nội và khắp miền Bắc.
Nữ doanh nhân tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2010. Sau đó, chị công tác ở vị trí phó phòng tại một tổ chức tín dụng của Đài Loan. Năm 2018, khi vừa sinh con thứ 2, chị quyết định nghỉ việc rồi chuyển sang lĩnh vực sản xuất sản phẩm truyền thống.
Báo Lao Động trân trọng gửi tới độc giả cuộc trò chuyện với nữ doanh nhân Lê Hồng Vân nhân ngày 8.3.
Khởi nghiệp cần ít nhất 3 đến 5 năm để công ty có thể đứng vững. Chị khởi nghiệp năm 2018, vẫn ở giai đoạn thử thách thì dịch bệnh ập đến. Đây có phải cú sốc hay khó khăn lớn với chị không?
- Công ty tôi bây giờ vẫn đang xây dựng, giữ khách và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, tôi đã trải qua cú sốc khác trước cả COVID-19 rồi.
Đó là năm 2018, khi chuyển từ công việc bàn giấy sang làm sản xuất. Đặc biệt, với sản xuất sản phẩm truyền thống thì rất vất vả, mất mát và đánh đổi rất nhiều. Tôi đã phải đổ bỏ rất nhiều hàng chưa đạt tiêu chuẩn và mất tới 4 tháng để sản phẩm cơ bản hoàn thiện. Tiền chuẩn bị để làm vốn cũng hao đi gần hết. Đến lúc hàng ra thị trường thì lại thiếu vốn lưu động và phải xoay rất nhiều kiểu.
Thời gian đầu xây dựng xưởng, hầu như là tôi làm một mình. Một ngày có khi phải làm việc với 5 đội thợ, nào thợ hồ, điện, nước,... Thậm chí, làm cả khuân gạch, trồng cột điện.
Khi COVID-19 đến thì ngành thực phẩm may mắn không bị ảnh hưởng nhiều, có đợt đơn hàng còn tăng lên nhờ xu hướng dự trữ. Tuy nhiên, sau đó doanh thu, hiệu quả kinh doanh giảm dần vì chi tiêu của người dân eo hẹp và tâm lý tích trữ vơi dần. Quá trình này diễn ra từ từ nên cũng chưa gọi là sốc.
Chia sẻ thêm về cú sốc khi từ công việc văn phòng bàn giấy sang sản xuất vất vả, tiền không thấy về mà còn vơi đi, cộng thêm cảnh con mọn. Lúc đấy, tâm trạng chị thế nào, có khi nào muốn bỏ cuộc không?
- Nói về bỏ cuộc thì cũng có nhiều lúc manh nha nhưng hầu như rất ít. Mình chuyển ra khởi nghiệp vì không muốn an nhàn nên vất vả không tác động quá nhiều đến tâm lý.
Một công việc an nhàn sẽ khiến bản thân bị "mòn" về nhiệt huyết, áp lực thu nhập tăng lên và lặp lại các kỹ năng, công việc quá nhiều.
Tuy nhiên, tôi lại choáng ngợp trước quá nhiều nhiều khó khăn mà không lường hết được do làm sản xuất khá lắt nhắt.
Mong muốn phát triển bản thân có mâu thuẫn với kỳ vọng của xã hội, những người xung quanh về một người phụ nữ phải lo toan cho gia đình và con cáikhông?
- Thẳng thắn mà nói thì kinh doanh lúc nào cũng rất bận. Có những lúc mình tự cảm thấy có lỗi vì không dành nhiều thời gian cho con cái và gia đình. Thế nhưng tính cách của mình là đặt việc chăm sóc con lên hàng đầu, không nhờ ông bà nội ngoại, chồng thì gần đây mới tham gia vào chăm con. Thế nên, một thời gian ngắn thôi là tôi phải tự thức tỉnh mình, phải quan tâm con dù bận đến mấy hay công việc kinh doanh có chậm hơn kỳ vọng.
Mọi người trong gia đình chị phản ứng thế nào khi đang có con mọn mà chị vẫn quyết tâm khởi nghiệp?
- Dĩ nhiên là gàn rồi! Từ bố mẹ đẻ, đến gia đình chồng và đặc biệt là chồng. Anh tuyên bố luôn là không ủng hộ. Một mình tôi phải xoay như chong chóng. Bố mẹ chồng thì bảo đang sướng lương cao. Mẹ ruột thở dài: "Mày bị sao thế, khổ từ bé giờ sướng vậy mà không thích à!"
Tôi nghĩ nếu một người chịu khó làm, chịu khó va chạm thì sẽ gia tăng nội lực của mình rất nhiều. Từ đó, kể cả khó khăn bên ngoài hay bên trong như định kiến, áp lực từ gia đình cũng khó khiến mình trầm cảm hay chùn bước. Cũng chính vì thế mà tôi không hề coi việc gia đình và chồng không ủng hộ khi khởi nghiệp là điều gì quá bi thảm.
Thật ra, ủng hộ hay không đều có hai mặt. Không ủng hộ sẽ giúp phụ nữ tỉnh táo hơn, bớt cảm xúc hơn. Đôi khi mình cũng phải nhìn nhận lại rằng tại sao lại không được ủng hộ như thế. Còn ủng hộ thì mình có thêm động lực!
- Xin cảm ơn chị! Chúc Joy ngày càng phát triển!