Xuất khẩu lạc quan, nhiều nhóm hàng tăng trưởng ngoạn mục
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7.2022, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục tăng khá. Riêng xuất khẩu ước đạt 30,32 tỉ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về xuất khẩu 7 tháng năm 2022, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - thông tin: Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu thì nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 3,2 tỉ USD, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm 2021; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 192 tỉ USD, tăng 16%; nhóm hàng nông, lâm sản ước đạt 14,6 tỉ USD, tăng 5,4%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 6,6 tỉ USD, tăng 32,9%.
Trong 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỉ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 58,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gồm điện máy, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; giày dép; dệt, may; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.
Trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 33,7 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,7 tỉ USD, tăng 14,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 24,9 tỉ USD, tăng 24,1%; hàng dệt may đạt 22,1 tỉ USD, tăng 19,8%; giày dép đạt 14,1 tỉ USD, tăng 19,6%.
“Đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước ngày càng khẳng định vai trò đóng góp của mình khi có giá trị kim ngạch xuất khẩu 7 tháng 56,99 tỉ USD, tăng 17%, cao hơn mức tăng 15,7% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô), chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu” – bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Là một trong những ngành đạt giá trị kim ngạch trên 10 tỉ USD trong 7 tháng năm 2022, ngành dệt may đạt giá tị kim ngạch 22,1 tỉ USD và được kỳ vọng tiếp tục “tỏa sáng” trong những tháng còn lại của năm 2022 khi các doanh nghiệp hoàn thành tiến độ giao hàng theo các đơn hàng đã ký.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam tin tưởng, với đà tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu dệt may năm 2022 sẽ đạt 42-43 tỉ USD.
“Xốc” lại đà tăng trưởng cho các nhóm hàng đang có dấu hiệu “giảm tốc”
Theo Bộ Công Thương, mặc dù tính đến hết tháng 7.2022, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 216,35 tỉ USD, tăng tới 16,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sang tháng 7.2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu của một số nhóm hàng có dấu hiệu giảm tốc, trong đó mức giảm xuất hiện ở hầu hết các mặt hàng nông sản (trừ rau quả và cao su). Giảm nhiều nhất là phân bón các loại (giảm 33,3%). Tuy vậy, lũy kế 7 tháng, xuất khẩu của nhóm này vẫn đạt 18,23 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm tới 22,6%; sắt thép các loại giảm 23,3%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 15,4%... Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như: Xơ, sợi dệt các loại giảm 16,4%; gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 7,5%; giày dép các loại giảm 2,7%; dây điện và cáp điện giảm 2,3%... đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm hàng công nghiệp chế biến và không thể chủ quan với hiện tượng này.
Mặc dù là ngành có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng, nhưng ông Vũ Đức Giang vẫn đề nghị các doanh nghiệp ngành dệt may tiếp tục ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới.
“Bản thân các doanh nghiệp cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng, tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang” – ông Vũ Đức Giang nói.
Theo Bộ Công Thương, nhằm tạo đà cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khai thác tốt tại những thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản... bên cạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tìm kiếm thị trường mới.