Nhiều tuyến phố “thất thủ”
Ghi nhận của PV Lao Động, chiều 26.9, cơn mưa lớn kéo dài gần 1h đồng hồ đã khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu, nhiều tuyến đường bị ùn tắc kéo dài. Cụ thể, tại các quận nội đô như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân… nhiều người ngán ngẩm trước cảnh nước ngập sâu, giao thông tê liệt trong nhiều giờ. Các hoạt động kinh doanh buôn bán gần như bị gián đoạn. Phố Phạm Văn Bạch tình trạng ngập lên tới hơn 30cm, đoạn ngã tư phố Liễu Giai - Đội Cấn (quận Ba Đình), tình trạng ngập úng cục bộ kéo dài hơn nửa con phố, chỗ sâu nhất gần 50cm.
“Điệp khúc lụt từ ngã tư đường phố” đã được cư dân mạng nhanh chóng ghi lại và chia sẻ ngay lên trên mạng xã hội. Chị Nguyễn Thị Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Mưa to quá khiến cho nhiều tuyến đường ngập nặng. Tôi đang đi trên đường mà xe chết máy. Mà không hiểu vì sao bao nhiêu năm nay, Hà Nội cứ mưa là ngập”.
Tương tự, sáng 27.9, một trận mưa dông đã xảy ra cũng khiến tình trạng giao thông trên nhiều tuyến phố Hà Nội bị ùn tắc nghiêm trọng. Lượng mưa chỉ từ 30mm tới 60mm nhưng một số tuyến phố vẫn xảy ra tình trạng ngập úng.
Lại đầu tư, lại tiền đổ vào?
Liên quan tới việc này, trao đổi với PV Lao Động sáng 27.9, đại diện Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thừa nhận: Tại khu vực phía Tây, Tây Bắc của thành phố hôm qua có mưa to và có hiện tượng ngập úng. Tại khu vực Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ… có xảy ra hiện tượng ngập. Hiện tại, hệ thống thoát nước ở đây chưa đảm bảo, những điểm ngập úng này đơn vị cũng đã xác định từ trước. Những điểm ngập úng này chủ yếu nằm trong khoảng 15 điểm còn tồn tại úng ngập như dự kiến.
Khi được hỏi, vấn đề để xảy ra ngập úng thì trách nhiệm thuộc về ai, vị này cho biết, về việc này có phần trách nhiệm của đơn vị thoát nước. Đơn vị thoát nước đã cố gắng để giảm thời gian để xảy ra ngập úng. Khi đường ngập, công nhân viên cũng đã ra hiện trường để xử lý, dùng máy bơm và nhiều biện pháp nghiệp vụ để thoát nước.
Vị này cũng cho biết thêm, trong những năm qua, việc đầu tư chống ngập úng đối với khu vực vùng lõi, thành phố và Chính phủ cũng đã có đầu tư dự án thoát nước giai đoạn 1, giai đoạn 2 bằng vốn vay của Nhật Bản. Đến nay việc này đang dần hoàn thiện. Dự kiến đến hết năm nay sẽ hoàn thành. Trong khu vực nội thành, lưu vực sông Tô Lịch khoảng 77,5km2 thuộc trách nhiệm quản lý của Cty. Tính từ phía quận Thanh Xuân trở về trong nội đô đến khu vực sông Hồng… Khu vực nội đô cũng còn khoảng hơn 10 điểm ngập úng mỗi khi có mưa lớn. Phía đơn vị cũng đang xây dựng những giải pháp tiếp theo để thoát nước. Phía bên ngoài, chúng tôi cũng có đề xuất thành phố cũng cần phải đẩy mạnh đầu tư để cải tạo hệ thống thoát nước, như việc đầu tư ở khu vực sông Tô Lịch mới có thể giải quyết được.
Trao đổi với PV Lao Động, TS Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - cho rằng: “Trong những năm qua, thành phố có đầu tư nhưng vẫn chưa đảm bảo hết nhu cầu của người dân. Hệ thống thoát nước hạ tầng cũ, thay thế mới chưa được bao nhiêu. Do đó, cần phải xem xét và đánh giá cũng như xử lý lại một cách đồng bộ mạng lưới và hệ thống tiêu thoát. Cần phải có trục đường thoát thật sự đảm bảo và đạt chất lượng. Cần phải chú ý kết nối hệ thống thoát nước mới và cũ. Ở các khu đô thị mới cần phải làm đường thoát nước có chất lượng ngay từ ban đầu” - TS Đạt nhấn mạnh.
Tại buổi giao ban báo chí thành ủy Hà Nội, nói về việc ngập úng trên địa bàn thành phố hiện nay, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực, xây dựng các trạm bơm để “giải cứu” cho khu vực nội đô mỗi mùa mưa về, tuy nhiên hiện nay thành phố vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng ngập lụt nếu gặp những trận mưa to. Ông Chu Phú Mỹ cho biết, nếu mưa từ khoảng 50 - 100mm trong 2 giờ liên tiếp, trên địa bàn thành phố sẽ có khoảng 15 điểm bị ngập. Việc này do nhiều nguyên nhân, như tỉ lệ mật độ xây dựng cao, việc xả rác ra đường nhiều khiến hệ thống thoát nước bị ách tắc. Khi mưa các cán bộ công ty thoát nước khơi thông hố ga mới có thể thoát nước được.