Đủ kiểu “chảy máu” đất công
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, nhiều quỹ đất công trên địa bàn TPHCM cho các doanh nghiệp thuê bị sử dụng lãng phí hoặc được các đơn vị này cho thuê lại để kiếm lời. Nhiều khu đất khác bị bỏ hoang, sử dụng không đúng mục đích...
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, đã chỉ rõ bất cập trong việc cho thuê đất công lãng phí tại khu đất số 97 Quang Trung, phường 8 (Q.Gò Vấp). Khu đất này rộng hơn 18.000m2 được Cty Dược liệu Trung ương 2 thuê để đầu tư xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, cửa hàng, văn phòng làm việc và nhà kho với giá thuê là 7.700 đồng/m2, trong thời hạn 50 năm. Tổng giá thuê đất khoảng 142 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, sau đó Cty này lại hợp tác với hai đơn vị bên ngoài để mở nhà hàng ăn uống, thu lợi hàng tỉ đồng/năm. Cụ thể, khu đất Cty Dược liệu Trung ương 2 đang sử dụng có diện tích hơn 18.400m2. Trong đó, Cty trực tiếp sử dụng 12.490m2 làm nhà kho, văn phòng làm việc, nhà xe, sân; phần diện tích còn lại gần 6.000m2, Cty đã ký hai thỏa thuận hợp tác kinh doanh để xây dựng nhà hàng ẩm thực 45 và nhà hàng bia tươi Mahalo.
Điều đáng nói, để “hợp thức hóa” việc cho thuê, Cty Dược liệu Trung ương 2 đã có văn bản gửi UBND Q.Gò Vấp xin sửa chữa, cải tạo nhà kho, văn phòng làm việc cũ làm căng tin, nhà nghỉ, nhà vệ sinh, nhà xe phục vụ công nhân và được UBND Q.Gò Vấp chấp thuận. Thế nhưng, sau khi tiến hành cải tạo xong, các phần kho của Cty lại trở thành nhà hàng ẩm thực, bia hơi.
Ngoài ra, nhiều khu đất công còn được cho thuê với giá rẻ như bèo. Đơn cử như, tại Quận 6, khu đất công tại địa chỉ 353 An Dương Vương, phường 10, quận 6 có diện tích 4.266m2 được cho một tư nhân thuê từ năm 2003 để làm nhà xưởng. Giá thuê đất hiện đang được tính theo bảng giá thuê do UBND TP ban hành từ năm… 1994! Không chỉ có vậy, việc cho thuê mặt bằng đất công còn bị gặp tình trạng quỵt nợ vì tình trạng người thuê đất trả mặt bằng, bỏ trốn nhưng địa phương này cũng như Cty Công ích quận cũng không có giải pháp khả thi để giải quyết.
Chuyển nhượng đất với giá bèo
Một vấn đề nóng nhất hiện nay đó chính là việc một lượng lớn quỹ đất công đã bị chuyển nhượng với giá rẻ cho doanh nghiệp khiến dư luận không khỏi thắc mắc ai đang hưởng lợi từ những phi vụ chuyển này.
Đơn cử như vụ việc Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa yêu cầu Cty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) hủy hợp đồng chuyển nhượng hơn 320.000m2 đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Cty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCGL) vì lý do giá chuyển nhượng được cho là rẻ bất thường và thiếu minh bạch trong giao dịch.
Cụ thể, trong văn bản gửi Văn phòng Thành ủy TPHCM, Cty Tân Thuận cho biết khi tiến hành ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Cty QCGL, khu đất này được doanh nghiệp định giá tổng giá trị khoảng 358 tỉ đồng tương đương 1,1 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trong phụ lục hợp đồng số 2 được ký ngày 8.9.2017 đã có điều chỉnh đơn giá đất cho phần diện tích 281.404m2 đã ký hợp đồng công chứng chuyển tên cho QCGL. Cụ thể, mức giá được công bố sau điều chỉnh là 1,29 triệu đồng/m2 tương đương với 363 tỉ đồng. Đối với phần đất còn lại 41.000m2 có giá trị 56,2 tỉ đồng (theo đơn giá điều chỉnh) thì chưa công chứng chuyển tên cho QCGL và sẽ được QCGL chia thành hai đợt thanh toán cho Tân Thuận.
Như vậy căn cứ theo đơn giá điều chỉnh trong phụ lục được ký, lô đất dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè được Tân Thuận bán cho QCGL có giá trị hơn 419 tỉ đồng.
Sau đó, Văn phòng Thành ủy đã đề nghị Sở TNMT TPHCM đánh giá lại về giá trị khu đất. Sở này xác định, đây phần lớn là đất nông nghiệp cạnh sông Phước Kiển, chỉ có một diện tích rất nhỏ (hơn 480m2) là đất ở. Trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân đã là hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị khu đất sẽ là hơn 574 tỉ đồng. Theo cách tính này của Sở, thì mức giá lúc ký hợp đồng Cty Tân Thuận gây thất thoát hơn 150 tỉ đồng.
Đó là chưa kể, cùng thời điểm này, cũng trên khu đất này Công ty QCGL đã đền bù đất nông nghiệp trồng lúa với giá hơn 4,6 triệu đồng/m2. Do đó, theo một số chuyên gia, nếu tính theo giá thị trường thấp nhất thời điểm Cty Tân Thuận chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai (tháng 5.2017), tổng giá trị khu đất có thể lên đến 2.000 tỉ đồng(?).
Tương tự, trước đó, thành phố cũng có nhiều trường hợp DNNN xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển các dự án cao ốc thương mại, chung cư hợp tác với các DN tư nhân bị đặt dấu hỏi về việc định giá quá có lợi cho doanh nghiệp tư nhân gây thất thoát ngân sách và đã bị Bộ Tài chính yêu cầu thanh tra vào cuối năm 2017.
Còn theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, hiện TP có 746 khu đất chưa có pháp lý để sử dụng đất và được giao cho các cơ quan nhà nước quản lý. Ngoài ra, TP còn có 224 khu đất công do các đơn vị sử dụng đất khác đang quản lý sử dụng cũng chưa có pháp lý sử dụng đất, trong đó nhiều khu đang bị sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang gây lãng phí, nhiều nơi bị người dân chiếm giữ đất trái phép. Trong khi đó, các doanh nghiệp được giao quản lý trước đây do công tác quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng chồng lấn ranh giới đất, bị lấn chiếm, chiếm giữ trái phép, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác thu hồi đất.
Đất công đang bị xà xẻo nghiêm trọng
Theo một số chuyên gia kinh tế, trong khi nguồn lực đất đai trên địa bàn TPHCM đang bị lãng phí trầm trọng. Có một lỗ hổng quá lớn trong việc quản lý nguồn đất công giao cho các DN có vốn Nhà nước. Điều này khiến các đơn vị vô tư phù phép đất công gây thất thoát nghiêm trọng. Quy định Nhà nước giao đất cho DN là để quản lý sử dụng chứ không giao quyền sở hữu. Trong khi đó, DN tự ý bán hoặc cho thuê đất là trái nguyên tắc. Và cũng không loại trừ những miếng đất vàng được DNNN bán với giá rẻ mạt gây thất thoát, người quản lý lại trục lợi bằng những khoản tiền lót tay khổng lồ. Thậm chí, mặc dù cũng tiến hành đấu giá, đấu thầu nhưng thực tế cho thấy tình trạng “chân gỗ”, “quân xanh quân đỏ” còn xuất hiện trong công tác đấu giá, đấu thầu đất. Khi quản lý lỏng lẻo đất công, hàng loạt DN bên ngoài sẵn sàng nhảy vào kiếm lợi. Đơn cử, như trường hợp Cty CP Dược liệu Trung ương 2 được UBND TPHCM cho thuê đất tại số 97 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp để xây dựng nhà hàng ẩm thực 45 và nhà hàng bia tươi Mahalo trên diện tích khu đất rộng “to như con voi” chứ có bé như con kiến đâu mà chính quyền không hay biết?