Hòa giải, đối thoại - nghệ thuật giải quyết tranh chấp

nguyễn việt dũng |

Những nữ hòa giải viên như Nguyễn Mai Anh, Trần Hồng Nhân bằng khả năng khéo léo trong cách ứng xử và sự tâm huyết đã đưa các cuộc tranh chấp căng thẳng giữa các thành viên, đối tác ngồi lại, không phải đưa nhau ra “công đường”.

Biến những căng thẳng thành hợp tác

Bà Nguyễn Mai Anh - một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội - nhận nhiệm vụ làm hòa giải viên tại Trung tâm Hòa giải Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Hoài Đức, Hà Nội từ tháng 3.2019. Thời gian khá ngắn ngủi khi tại Hà Nội thành lập các trung tâm hòa giải để giúp các vụ việc từ đối đầu sang đối thoại.

Nữ hòa giải viên Mai Anh tâm sự, công việc khá mới mẻ, ban đầu khi nhận cũng không khỏi có những bỡ ngỡ. Song, sự tâm huyết với nhiệm vụ đã giúp bà vượt qua nhiều trở ngại, từng bước hàn gắn các mối quan hệ rạn nứt chỉ vì có những tranh chấp, không tìm được tiếng nói chung.

Gần một năm tham gia công việc này song song với nghề luật sư, bà Mai Anh đã trực tiếp hòa giải khá nhiều vụ án. Trong số các vụ việc giải quyết tại trung tâm, bà nhớ rất rõ đơn của đương sự Lê Thị M khởi kiện, yêu cầu chia thừa kế đối với bà Lê Thị H. Bà M và H là chị em ruột của nhau.

Sau khi bố mẹ mất, họ đã để lại cho hai con gái một thửa đất ở huyện Hoài Đức. Mảnh đất này, hiện do gia đình bà H sử dụng. Do không tìm được tiếng nói chung trong giải quyết thừa kế mảnh đất của bố mẹ để lại, dù đang sống ở miền Nam, bà M đã khởi kiện, đề nghị TAND huyện Hoài Đức giải quyết, phân chia thửa đất này.

Ban đầu nhận đơn, nghiên cứu hồ sơ, nữ hòa giải viên Mai Anh cho rằng, trường hợp người thân khởi kiện nhau ra tòa, trong khi làm luật sư bà đã gặp không ít. Bà đã nghiên cứu hồ sơ kỹ càng, đồng thời rà soát các vấn đề pháp lý cần thiết trước khi tạo điều kiện để các bên đương sự ngồi lại với nhau. Bà Mai Anh sau đó đã lần lượt gặp mặt từng người để hiểu thêm về mâu thuẫn giữa hai chị em.

Qua tiếp xúc, nữ hòa giải viên nhận thấy, mâu thuẫn của hai chị em đương sự chủ yếu phát sinh do sự hạn chế về pháp luật. Nắm được vấn đề cốt lõi, nữ hòa giải viên Mai Anh liền kiên trì phân tích các quyền, nghĩa vụ của mỗi bên và những cái được, cái mất, một khi vụ tranh chấp phải đưa ra “công đường” phán xử. Đặc biệt, hòa giải viên còn “đánh mạnh” vào yếu tố tâm lý, tình cảm và truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân ta. Cùng là phụ nữ với nhau, nên giữa hòa giải viên và các bên đương sự đã có những góc nhìn đồng cảm, chia sẻ.

Trong một số cuộc gặp gỡ với các bên đương sự, bà Mai Anh đã phân tích về tình “chị ngã em nâng”, “anh em như thể tay chân”, rồi thì “một giọt máu đào còn hơn ao nước lã”... Thế nên chỉ trong một thời gian ngắn, câu chuyện đối kháng, căng thẳng giữa hai người là chị em ruột thịt của nhau đã nhanh chóng xóa nhòa. Thay vào đó, bà H vui vẻ chấp thuận việc tiếp tục sinh sống và có quyền đứng tên sử dụng đối với thửa đất do cha mẹ để lại nhưng phải trả cho M một khoản tiền tương ứng với kỷ phần di sản.

Ở Trung tâm Hòa giải TAND quận Cầu Giấy, nữ hòa giải viên Trần Hồng Nhân cũng là cái tên được không ít người nhắc đến. Trong khoảng thời gian ít ỏi làm công tác hòa giải, bà Nhân cũng kịp hóa giải nhiều trường hợp tranh chấp khá “nóng”. Trong đó, có vụ án tranh chấp hợp đồng thuê nhà giữa một công ty trên địa bàn Hà Nội với ông H.

Theo nữ hòa giải viên, đây là vụ án mà quá trình hòa giải diễn ra khá lâu và ban đầu, các bên đều rất căng thẳng. Cụ thể, phía doanh nghiệp yêu cầu ông H trả lại 100% tiền đặt cọc thuê nhà nhưng bị đơn không đồng ý và đưa ra các lí lẽ chứng minh doanh nghiệp vi phạm hợp đồng.

Hòa giải, lần nhứ nhất, thứ hai ông H không đến và lần thứ ba đến tòa nhưng các bên vẫn không giữ được bình tĩnh. Khi đó, nhận được công tác đứng ra hòa giải cho vụ việc, bà Nhân đã nghiên cứu hồ sơ cũng như tiếp xúc trực tiếp với các đương sự. Nữ hòa giải viên nhận thấy, hợp đồng này hai bên đều có lỗi nên đưa ra phương án là mỗi bên chịu một nửa tiền đặt cọc. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp không nghe.

Không nản lòng, bà Nhân vẫn kiên trì thuyết phục và để các bên có thêm thời gian ngẫm ngợi về phương án hòa giải. Sau 15 ngày sau, tại buổi hòa giải lần thứ tư, hai bên đã vui vẻ bắt tay nhau với việc “cưa đôi” số tiền cọc thuê nhà. Đặc biệt hơn là ngay tại phiên hòa giải ấy, ông H lập tức thanh toán đủ số phải trả và nguyên đơn cũng tức tốc rút đơn.

Hòa giải - quy trình rút ngắn việc tranh chấp

Ông Đào Sỹ Hùng - Phó Chánh án, kiêm Giám đốc Trung tâm Hòa giải TAND TP.Hà Nội - cho hay, đối thoại, hòa giải trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại các tòa án bên cạnh hoạt động xét xử là rất quan trọng. Bởi nó có những tác dụng rất lớn lao, quan trọng là gắn kết tất cả các mối quan hệ xã hội. Thông qua hòa giải, tất cả các đương sự xích lại gần nhau, hóa giải được những mâu thuẫn, tạo sự đồng thuận, bắt tay nhau cùng hợp tác.

Hòa giải còn rút ngắn được các quy trình khác trong giải quyết tranh chấp. Vì nếu vụ án phải đưa ra xét xử thì quy trình tố tụng thường kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động khác của tòa án, viện kiểm sát, thi hành án cũng như những cơ quan khác liên quan. Thông qua hòa giải, vụ án cũng sẽ được giải quyết dứt điểm, triệt để. Bên cạnh đó, đối thoại, hòa giải còn thể hiện sự văn minh của một xã hội, đồng thời giảm chi phí, đi lại của các đương sự và Nhà nước...

Tại Hà Nội, ngoài án hôn nhân gia đình thì đối thoại, hòa giải còn thực hiện ở rất nhiều loại tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại và đặc biệt là hành chính. Qua đó cho thấy, tất cả vụ việc đều có thể đối thoại, hòa giải được nếu có được một lực lượng hòa giải viên thực sự tốt, thực sự tâm huyết.

Ông Đào Vĩnh Tường - Chánh án TAND quận Đống Đa, kiêm Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại của đơn vị - nói rằng: Việc ra đời Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND quận Đống Đa là hướng đi mới trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại tòa án. Hòa giải, đối thoại đã thực sự góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội.

Trong thời gian qua, Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND quận Đống Đa đã tiến hành hòa giải các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính không được hòa giải, đối thoại...

Chánh án TAND huyện Hoài Đức, kiêm Giám đốc Trung tâm Hòa giải - Nguyễn Sinh Thành - cũng nhìn nhận, đây là phương thức giải quyết tranh chấp rất hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội. Bên cạnh đó, việc này còn giúp hạn chế tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của tòa án. Kết quả hòa giải, đối thoại còn góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân.

Theo báo cáo của ngành, sau 10 tháng thí điểm đối thoại, hòa giải tại hai cấp Tòa án Hà Nội đã nhận được tổng số đơn khởi kiện là 13.376 đơn, trong đó số vụ việc đương sự không đồng ý hòa giải là 2.070 đơn. Tổng số đơn thụ lý của các trung tâm là 11.390 đơn, trong đó số vụ việc đã giải quyết (số vụ được hòa giải, đối thoại) là 7.717 đơn; số vụ việc hòa giải, đối thoại thành là 5.487 vụ và số vụ việc hòa giải, đối thoại không thành là 2.229 vụ.

Được biết, án Dân sự hòa giải thành 460 vụ/việc trong tổng số 1.247 vụ việc được đưa ra hòa giải (đạt tỉ lệ 36,89 %); án hôn nhân gia đình hòa giải thành 4.744 vụ/việc trong tổng số 5.698 vụ việc (đạt tỉ lệ 83,26%); án kinh doanh thương mại hòa giải thành 144 vụ/việc trong tổng số 490 vụ việc (đạt tỉ lệ 29,39%); án lao động hòa giải thành 35 vụ/việc trong tổng số 59 vụ (đạt tỉ lệ 59,32%) và án hành chính đối thoại hoà giải thành 104 vụ/việc trong tổng số 226 vụ việc được đưa ra hòa giải (đạt tỉ lệ 46,64%).

nguyễn việt dũng
TIN LIÊN QUAN

Bình Định yêu cầu chấm dứt tình trạng "quyền anh, quyền tôi"

Hoài Phương |

Bình Định - Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, thủ tục xin cấp mỏ khoáng sản hiện nay rất nhiêu khê, có tình trạng gây khó dễ tại các phòng, ban.

Nhịp sống đang dần trở lại với người dân Làng Nủ

NHÓM PV |

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của người dân trong khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đang dần ổn định.

Thế và lực của Việt Nam đủ sức triển khai đường sắt cao tốc

Xuyên Đông |

Các chuyên gia khẳng định, thế và lực của Việt Nam hiện tại hoàn toàn đủ sức để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Lào Cai: Các nhà máy thuỷ điện khắc phục thiệt hại sau bão

NHÓM PV |

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho 26/74 nhà máy thuỷ điện trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai, ước tổng thiệt hại lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Trung tâm Y tế xin rút kinh nghiệm vì thu chi sai tiền tỉ

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar xin kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc vì đã thu và chi sai số tiền phụ cấp ưu đãi hơn 1,6 tỉ đồng.

Bắt giữ 1 đối tượng chém Trưởng Công an xã tại Yên Bái

Trần Bùi |

Yên Bái - Sau khi bỏ trốn, 1 trong 2 đối tượng chém trọng thương Trưởng Công an xã Tân Hương, huyện Yên Bình đã bị bắt giữ.

Cựu công an bị cáo buộc gây cản trở điều tra vụ chuyến bay giải cứu

Việt Dũng |

Biết người quen liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu, ông Nguyễn Xuân Thông vừa bày cách cho ông này khai báo gian dối, vừa che giấu hành vi phạm tội.

Côn đồ đánh gãy xương sườn, tay, chân của ngư dân Hải Phòng

Đại An |

Hải Phòng – Trong lúc đang khai thác ngao ở khu vực ven biển ở Đồ Sơn (Hải Phòng), 2 bố con ông Ph. bị nhiều đối tượng hành hung, gây thương tích nghiêm trọng.