Cơ duyên nào đưa chị đến với kí sự "Nhớ Việt Bắc"?
- Tôi là một người có trí nhớ khá tốt, thậm chí nhớ cả những kí ức từ năm một, hai tuổi. Mẹ dạy tôi đọc từ sớm, ba tuổi tôi đã biết đọc. Những vần thơ đầu tiên tôi đọc và nhớ đến tận ngày hôm nay là về Việt Bắc.
Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt.
Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát,
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca.
(Ta đi tới, Tố Hữu)
Tôi đọc bốn câu thơ đó trước bài thơ Việt Bắc. Những câu thơ của Tố Hữu thực sự giống như một ngọn đuốc, dùng từ lí tưởng thì hơi quá, nhưng nó giống như một ngọn đuốc dẫn tôi đi suốt từ những năm tháng ấy. Tôi nghĩ mọi thứ đều phải có căn duyên, từ năm tôi đọc những vần thơ ấy, đó là lí do vì sao nỗi nhớ Việt Bắc đằng đẵng từ khi biết nghĩ.
3 tuổi, thuộc làu những câu thơ ấy, tôi vốn có một mong mỏi rất lớn là biết Bình Ca nằm ở đâu. Phải đến năm 2019, tôi mới thực sự tìm được và đến bến Bình Ca do cơ duyên từ một bộ phim tài liệu khác. Và đầu năm 2023, khi được giao kí sự “Nhớ Việt Bắc”, tôi mừng lắm! Nhưng điều tôi trăn trở nhất là làm sao để thuyết phục khán giả yêu Việt Bắc như mình, người làm phim tài liệu làm sao để khán giả không thấy tình cảm đó là chủ quan mới thành công.
Vậy chị cho rằng, mình thành công đến đâu trong loạt phim tài liệu này?
- Với một kí sự truyền hình, thông thường ý tưởng là kể trọn vẹn về một câu chuyện cụ thể. Ví dụ như chuyện xoay quanh cây đa Tân Trào, như bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa. Thông thường sẽ là bắt đầu từ ghi hình cây đa Tân Trào, liên hệ với nhân vật, hẹn phỏng vấn và các thao tác lần lượt, rất nhanh gọn. Một tập phim có hình ảnh lịch sử, nhân chứng ngày ấy bây giờ, cây đa hôm nay... Nhưng khi đi vào chi tiết, tôi dường như “phải lòng” những câu chuyện lịch sử mình đang kiếm tìm. Tôi nhận ra mình không thể làm theo một trình tự sẵn có như thế!
Những năm gần đây, chúng ta vẫn bàn về việc học lịch sử như thế nào. Tôi còn trẻ, và tôi nghĩ rằng, mình muốn học như thế nào thì sẽ kể cho khán giả nghe như thế, nghĩa là đặt mình vào vị trí của người học. Người ta sẽ cảm thấy mệt mỏi nếu như cứ nghe sự kiện, buộc phải nhớ theo mốc thời gian. Tôi muốn kể làm sao cho khán giả nhớ. Ai đó nói rằng, khi người đọc gấp trang cuối cùng lại, đời sống của một cuốn sách mới bắt đầu. Với một bộ phim tài liệu, có lẽ cũng không khác.
Khi làm công việc của một người đạo diễn phim tài liệu, tôi muốn làm sao để khán giả cảm thấy họ thực sự bước vào hành trình của bộ phim, nhìn thấy mọi thứ, tò mò về những câu chuyện. Khi tò mò, họ sẽ tìm hiểu. Không có cách nào ghi nhớ tốt hơn tự tìm hiểu, tức là tôi chỉ đưa chìa khóa, còn mở cánh cửa ra sao hay đi tiếp thế nào là phần khán giả quyết định.
Trong 20 tập phim kí sự, khán giả sẽ thấy ở những thước phim không phải góc máy chủ quan qua con mắt của người đạo diễn. Đến 80% những cú máy sử dụng trong kí sự này là những cú máy “follow”, nghĩa là máy quay lúc này đã trở thành “đôi mắt” của người xem, cho khán giả thấy rằng mình đang ở trong cảnh quay đó. Hiểu đơn giản, là góc máy chủ quan với khán giả, nhưng lại là cách xử lí khách quan của đạo diễn hình.
Ví dụ như hành trình chinh phục Cham Chu, ngọn núi cao nhất của Tuyên Quang ở tập 2: "Rừng kể chuyện". Khán giả sẽ thấy như mình đang được leo núi suốt chặng đường, từ dưới chân núi đến đoạn dừng nghỉ, cả đoàn chia nhau một nồi mì tôm nấu trên củi, dùng đũa do đồng bào dân tộc vót ngay giữa rừng...
Đó là cách làm, trách nhiệm của người làm kí sự tài liệu, sao cho khán giả thực sự bước vào khung cảnh, câu chuyện ấy... Lúc này, họ mới có thể nảy sinh những tình cảm, yêu mến nó và đồng ý rằng, khi cuốn phim này kết thúc, những hình ảnh, giai điệu và âm hưởng của nó còn vang vọng. Và khán giả còn tiếp tục đi tìm, đào sâu những câu chuyện khác về Việt Bắc.
20 tập phim có lẽ không đủ kể một câu chuyện hoàn chỉnh về Việt Bắc, chị sẽ khép lại hành trình thế nào vào tập cuối cùng của series phim tài liệu này?
- Tập 20 với tên là “Đường về đây đó gần thôi”, đó cũng là một câu thơ trong bài Việt Bắc:
Ðường về, đây đó gần thôi!
Hôm nay rời bản về nơi thị thành
Nhà cao chẳng khuất non xanh
Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường.
(Việt Bắc, Tố Hữu)
Đặt trong bối cảnh năm 1954, kháng chiến thắng lợi, cán bộ chiến sĩ phải trở lại Thủ đô để tiếp tục công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Câu chuyện ngày hôm nay không chỉ có vậy, mà còn là câu chuyện của lòng biết ơn, nhớ ghi, thủy chung. Tôi sẽ để những hình ảnh đẹp nhất của Việt Bắc xưa và hôm nay trong tập phim cuối cùng. Bên cạnh đó là câu chuyện của những cán bộ kháng chiến đã rời Việt Bắc, vế thứ hai là những người ở lại.
Tôi muốn dùng lời trong bài vè của người dân Tân Trào kể rằng kháng chiến thắng lợi, cán bộ về xuôi, để dân ở lại. Đó không phải lời trách, mà họ biết chắc chắn những cán bộ phải trở về Thủ đô xây dựng đất nước. Đó là nỗi niềm nhớ thương người ở lại, núi rừng Việt Bắc nhớ thương người đi.
Bao giờ giành nước cộng hòa
Cán bộ đi khỏi, dân đà ngẩn ngơ
Ở đây không chỉ là câu chuyện nhớ thương những cán bộ cách mạng, mà còn có một tứ thơ rất đẹp: “Mình về với Bác đường xuôi/Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người”. Người dân Việt Bắc nhớ Bác Hồ, nhớ vị lãnh tụ sống gần dân, sống giữa sự đùm bọc của đồng bào nơi ấy, sống yêu thương những cộng đồng dân tộc thiểu số ở đấy.
Với hành trình làm kí sự này, tôi cảm nhận rằng thế hệ lãnh đạo kháng chiến ngày ấy thực sự được bao bọc trọn vẹn trong tình cảm của người dân Việt Bắc. Người ta vẫn nói rằng, bạn chọn được vị trí an toàn và cảm thấy an toàn. Nhưng nhiều khi vị trí dường như an toàn ấy vẫn khiến bạn bất an. Nhưng rõ ràng, nếu sống giữa sự đùm bọc, che chở của cả một cộng đồng như thế, đó mới là sự bình an trọn vẹn nhất.
Tôi thực sự muốn làm tập phim cuối cùng trong series này. Đầu tiên, để nhắn gửi tới Việt Bắc rằng, những người trở về không quên. Đồng thời, tôi muốn nói với những người trở về và thế hệ sinh ra sau chiến tranh hôm nay rằng, chúng ta có một cội nguồn như thế, không chỉ là thời đại Hùng Vương dựng nước, mà có một lịch sử rất gần, chỉ khoảng 70 năm trở lại đây. Rằng, có một nơi tên là Việt Bắc, nơi góp phần làm nên hình hài đất nước ngày hôm nay. Tập phim ấy bản chất là một lời hồi đáp bằng hình cho đoạn thơ của Tố Hữu. Và kí sự "Nhớ Việt Bắc" sẽ còn tiếp tục.
Khép lại hành trình qua 20 tập phim, chị đã đưa khán giả đến với một Việt Bắc vừa hào hùng, vừa dung dị thân thương. Còn về phía chủ quan, Việt Bắc ngoài đời thực có như những vần thơ chị đọc từ thuở nhỏ?
- Tôi cảm nhận đó là một hành trình đi khám phá chính bản thân mình. Khi làm kí sự, mỗi ngày viết một cách gấp gáp, mỗi một tập lên sóng, nhận phản hồi từ những người dân Tuyên Quang xa quê xem phim và muốn quay trở về, tôi thấy rõ ràng tình yêu của mình với Việt Bắc từng ấy năm không thay đổi. Nếu mọi thứ có cội rễ vững bền, chắc chắn nó khó có thể tan biến, điều này đúng với cả tình yêu và nỗi nhớ. Và càng ngày tôi càng tin vào con đường mình chọn.
Một người bạn của tôi từng viết bài thơ rất dài, trong đó có một câu tôi nhớ và dùng rất nhiều lần trong những tin nhắn, bài chia sẻ hay thơ của mình rằng: “Anh vẫn tin Tổ quốc dẫu thế nào”.
Rõ ràng với mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, sứ mệnh lịch sử dành cho con người ở thế hệ ấy cũng khác nhau. Dẫu ngày hôm nay chúng ta nhìn thấy có rất nhiều câu chuyện buồn, rõ ràng chúng ta không thể vì những câu chuyện buồn như thế mà mất đi niềm tin vào thế hệ, vào lí tưởng, con người hoặc đất nước. Đó là lí do tôi yêu thích hơn cả những đề tài về lịch sử, chiến tranh, về những con người thực sự không tính gì đến niềm riêng của mình mà dành trọn cho công việc chung.
Khi tôi làm kí sự Việt Bắc, lòng biết ơn nhân lên từng ngày. Tôi nghĩ rằng, mỗi sáng thức dậy mình thấy biết ơn như thế, cuộc sống có ý nghĩa lắm! Hành trình đi làm kí sự này bản chất là hành trình khẳng định lại một lần nữa niềm tin của chính mình. Dù có thế nào đi chăng nữa, tình yêu với đất nước này, với Tổ quốc này, với những con người của thế hệ ấy không bao giờ thay đổi.
Đạo diễn Nguyễn Hương Dung sinh năm 1990. Học chuyên ngành Đạo diễn Điện ảnh, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, chị theo đuổi dòng phim tài liệu, kí sự truyền hình. Đạo diễn này tham gia thực hiện nhiều kí sự như “Trên quê hương mới”, kí sự “Hành trình người đi tìm lửa”, kí sự “Đường đến Trường Sa”, phim tài liệu “Phần đời còn lại”, series phim tài liệu “Khát vọng phát triển”... của Đài truyền hình Việt Nam và mới nhất là kí sự "Nhớ Việt Bắc” khởi chiếu từ đầu tháng 4.