Qua rồi thời thiên nhiên ưu đãi
Đóng góp của ĐBSCL thời gian qua không nhỏ, toàn vùng đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% thủy sản, 36,5% cây trái; cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu và 65% sản lượng xuất khẩu thủy sản cho cả nước. Nhiều sản vật tại ĐBSCL có mặt khắp nơi trên thế giới. Dù vậy tỉ lệ hộ nghèo, số bác sĩ, sinh viên trên 1.000 dân vẫn ít so với các vùng khác.
TS Nguyễn Thế Chinh (Viện Chiến lược, chính sách - Bộ TNMT) ví von: “ĐBSCL giờ không còn những đàn trâu hàng trăm con; cá lội dưới sông nhìn thấy được. Đồng bằng bây giờ đã qua rồi thời thiên nhiên ưu đãi trước thách thức của môi trường, BĐKH”. Cụ thể nguồn nước cho ĐBSCL đang đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao. Đó là nguồn nước từ thượng lưu sông Mekong gần đây ít về khiến mùa lũ thất thường; nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng; thiếu nước sinh hoạt, giờ đây đối mặt với nước biển dâng.
Sử dụng hợp ý nguồn nước được các diễn giả đem đến phiên thảo luận do Bộ TNMT chủ trì cho thấy: Nỗi lo nước giữa đồng bằng mênh mông nước là điều có thật. TS Hoàng Văn Bảy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TNMT) - cảnh báo: “Chúng ta đang đứng trước nguy cơ bị các nguồn nước đe dọa: Thiếu nước do các đập thủy điện sẽ mất mùa lũ; nước ngầm sụt giảm dẫn đến sạt lở đất, đồng bằng lún dần và nước biển dâng”.
Tình trạng sạt lở đất, xâm nhập mặn không chỉ Bộ TNMT quan tâm mà Bộ NNPTNT cũng đặc biệt chú ý đến. Kết quả quan trắc môi trường cho thấy diễn biến sạt lở, xâm nhập mặn có tốc độ nhanh hơn. Thiệt hại nhiều hơn, nguy cơ dẫn đến mất nhà cửa tài sản của người dân nhiều hơn.
Trong khi đó, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, cần thay đổi tư duy trồng lúa nước, bởi cây lúa quá tốn kém nước ngọt.
Hoạch định cho tương lai
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, giai đoạn 2011-2016 vùng ĐBSCL (12 tỉnh và 1 thành phố) đóng góp cho ngân sách nhà nước 248.230 tỉ đồng, chiếm chỉ 4,26% tổng thu ngân sách cả nước, trong khi đó tổng chi đến 388.764 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng trên 13% tổng chi ngân sách. 13 tỉnh, thành, nhưng duy nhất chỉ có TP.Cần Thơ thu đủ chi, còn lại đều trông chờ vào ngân sách của T.Ư. Điều này cho thấy tiềm lực tài chính nội tại ĐBSCL chưa thật sự mạnh, phải trông chờ vào nguồn vốn của T.Ư và vốn vay, các chương trình viện trợ khác.
Theo Bộ Tài chính, tạo nguồn vốn để đầu tư cho ĐBSCL là rất quan trọng bởi: chống sạt lở, bảo đảm nguồn nước, chuyển đổi sản xuất, thủy lợi, hạ tầng, thành lập các khu dân cư… tất cả đều cần phải có nguồn vốn. Trong khi đó tại phiên thảo luận quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng ĐBSCL do Bộ KHĐT chủ trì, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải có chiến lược quy hoạch lâu dài cho ĐBSCL. Quy hoạch gắn với điều kiện tự nhiên, con người, đời sống, nhu cầu phát triển của ĐBSCL. GS-TS Đặng Hùng Võ cho rằng, một quy hoạch tích hợp không chỉ khắc phục tình trạng chia cắt kịch bản phát triển do cách tiếp cận cục bộ theo ngành hoặc theo địa phương mà còn là căn cứ xác đáng để tiết kiệm kinh phí trong điều phối, phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà nhìn nhận cần có những đánh giá cụ thể về tài nguyên nước, đất để có chiến lược lâu dài quản lý khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên này. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ NNPTNT cùng với các ngành, địa phương tập tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thích ứng, khai thác những lợi thế tạo ra từ những biến động này để hạn chế những mặt tiêu cực nhất, góp phần đưa tăng trưởng vùng ĐBSCL. Công tác thuỷ lợi phải xoay trục, bám vào 3 vùng là thượng, trung và hạ nguồn để có những nhóm giải pháp thích ứng về công tác thuỷ lợi gắn với tái cơ cấu của từng tiểu vùng, làm cho chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp có được hiệu quả như mong muốn…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả các phiên thảo luận. Phó Thủ tướng cho rằng những tham luận đều tâm huyết để đồng bằng phát triển. Cũng từ những tham luận này có thể nhận thấy ĐBSCL đang rất cần quy hoạch phát triển tổng thể; cần sự sẻ chia của bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp, người dân.
Thủ tướng thị sát ảnh hưởng biến đổi khí hậu ĐBSCL
Chiều 26.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát vùng ĐBSCL bằng trực thăng. Cất cánh từ TP.Cần Thơ, “thủ phủ” vùng ĐBSCL và bay dọc khu vực ven biển, tới tận mũi Cà Mau, chuyến thị sát nhằm chuẩn bị cho Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu mà Thủ tướng sẽ chủ trì phiên toàn thể vào hôm nay (27.9).A.C
ĐBSCL cần 105.000 tỉ đồng để phát triển
Nhu cầu vốn cho ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 cho kịch bản biến đổi khí hậu là 153.000 tỉ đồng. Trong đó, 3% GRDP vùng là 105.000 tỉ đồng; 58 dự án theo kịch bản “không hối tiếc” từ khuyến nghị của MDP 43.000 tỉ đồng và 5.000 tỉ đồng cho tăng trưởng xanh.
* Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm và hỗ trợ thích đáng cả về kỹ thuật và tài chính cho vùng ĐBSCL. Tôi cũng đề nghị cần phải phát huy hơn nữa vai trò của Ủy hội sông Mekong quốc tế, tăng cường chia sẻ thông tin, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước giữa các nước trong lưu vực sông Mekong vì sự thịnh vượng chung của khu vực. Tôi đề nghị sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng các doanh nghiệp và người dân, phát huy lòng tự hào dân tộc, truyền thống tự cường, vượt qua khó khăn, gian khổ và trí tuệ của người Việt Nam vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung.(Trích phát biểu của Phó Thủ tướng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ)