Trong số du khách nói trên, không ít là những người thân quen, yêu mến Hội An từ những ngày nó còn là “đô thị dưỡng già”, chưa biết đồng đô la màu gì. Chị Nguyên Thanh - một cựu nhà báo kể: “ Tôi yêu Hội An, và cũng lắm lần bị nhà hàng tỏ ra sang chảnh từ chối phục vụ. Có lần tôi hỏi: Thái độ tụi em vậy thì bán cho ai ? Họ trả lời ngay: Bán cho Tây!”.
Hay chị Bích H. hiện là Trưởng Văn phòng đại diện một tờ báo tại TP Hồ Chí Minh viết: “Kỷ niệm của mình cũng không kém. Hồi đó vô một tiệm vải xem hàng, cất tiếng hỏi em bán hàng là chị muốn xem vải linen thế này nhưng chị cần màu đỏ, màu nóng chút. Em bán hàng chưa kịp nói gì thì chủ hàng đang ngồi tô son nguýt cái rồi bảo, chỗ tôi toàn bán cho Tây màu nóng màu lạnh gì! Mình trố mắt nhìn mụ, rồi qua "méc" ông Sự ... chứ chả làm gì được!”.
Hóa ra sự việc không diễn ra đơn lẻ, mà có khuynh hướng đang trở thành một loại “đặc sản” của Hội An. Nhưng bất ngờ hơn, thay vì có biện pháp chế tài ngay những nhà hàng, dịch vụ có thái độ kỳ thị du khách, thì vài nhà quản lý Hội An lại đáp trả, khi bảo rằng, đó là do khách vào quán không chịu “đi nhẹ, nói khẽ”…
Có người đặt câu hỏi, tại sao những hiện tượng kỳ thị đại loại như vậy không hiếm ở nhiều nơi, ví dụ như Hà Nội với “đặc sản” bún mắng, cháo chửi, lại không bị phản ứng mạnh mẽ như vậy? Từ đó cho thấy, trong mắt du khách, Hội An là một vùng đất đáng để yêu mến với một thời nhân tình thuần hậu hiếm có trong nền kinh tế thị trường hỗn mang đang hoành hành tại nhiều điểm du lịch của đất nước.
Lúc đó, có nhà báo viết cuốn sách, còn ví Hội An như một “sợi nước trong, giữa biển nước ngầu đục…”. Người ta còn kể những câu chuyện buôn bán dễ thương mang tính huyền thoại như, chủ nhà hàng bán tương ớt Triều Phát đã kiên quyết từ chối bán một lúc 20 lọ cho du khách, với lý do mua nhiều về, để lâu sẽ hư hỏng; hay câu chuyện du khách uống cà phê để quên xe máy ngoài đường từ ngày này qua ngày khác, mà không mất mát con ốc vít nào…
Từ những tiếng thơm đó, làn sóng du khách khắp thế giới đổ về Hội An ngày càng nhiều. Từ một “đô thị dưỡng già” mệt mỏi, thoắt Hội An đã trở thành điểm đến thu hút hàng triệu khách mỗi năm, trên khắp thế giới. Theo đó đời sống người dân sung túc lên; số triệu phú đô la bằng kinh doanh dịch vụ du lịch tại đây nhanh chóng được điểm danh, không thua kém bất cứ nơi nào.
Có lần nói chuyện, ông Nguyễn Sự, lúc đó làm Chủ tịch Hội An lo lắng, tôi e rồi “đồng tiền đi vào cửa trước, giá trị luân lý đi ra cửa sau”, vì vậy phải có những định chế nghiêm ngặt, thậm chí phải rắn mạnh tay đối với hoạt động dịch vụ của Di sản. Và quả như dự báo, sức mạnh kim tiền đang phá vỡ dần những giềng mối, một thời nhờ đó mà Hội An trở thành tình yêu của rất nhiều người.