Nhưng tuần qua, VTV có một phóng sự về các em học sinh người dân tộc ở miền núi phía Bắc đi học xa nhà 23km, trèo đèo lội suối 5 tiếng đồng hồ, mang gói cơm đi ăn, nhưng các em vẫn vui vẻ ngày ngày đến trường. Nói lại chuyện bên Nhật Bản, có một nhà ga xe lửa ở vùng núi, mỗi ngày chỉ có 1 em nữ sinh trung học đi tàu đến trường. Thế mà ngành đường sắt vẫn để nhà ga phục vụ em học sinh. Năm nay, em đã vào đại học, nhà ga mới dỡ bỏ. Mỗi câu chuyện đều có câu trả lời rõ ràng, nghĩ không cần phải nói ra đây. Nếu có nói thêm thì cần nói rằng sự quan liêu, vô trách nhiệm với dân của chính quyền các cấp ở một số địa phương là điều cần nói hơn cả ở xứ ta.
Ở huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi có vùng đồng bào dân tộc được đền bù một cục tiền lớn để tái định cư lấy đất làm hồ thủy điện. Bà con vui vẻ nhận tiền về nơi mới xây nhà. Vừa thì cỡ 400 triệu đồng, to tới bạc tỉ, như biệt thự, trong nhà đồ đạc sang trọng. Nhưng xây xong, khóa cửa. Bà con vẫn ở ngôi nhà sàn cũ dọn đến làm phía sau biệt thự. Quen rồi. Đồng bào vẫn là đồng bào như ngày xưa, không lẫn với lối sống bây giờ ở các thành phố.
Tuy chưa có cuộc điều tra nào nhưng người Hà Nội, Huế, Sài Gòn cũ “nguyên bản” bây giờ ít lắm. Dân tứ xứ về đô thị kiếm tiền, tậu xe, quần áo sang trọng, nhìn khó đoán là dân địa phương nào. Nhưng có một thuốc thử, đó là ra quán nhậu, nghe các ông rượu vào lời ra là biết quê đâu. Có một đặc điểm chung là ăn to nói lớn. Chiếc giỏ đựng rác ngay chân bàn bao giờ cũng sạch bong vì các ông xả rác xuống sàn, không thèm bỏ giỏ.
Có lần, chúng tôi nghe được một ông vừa chửi vừa nói với bạn chuyện hôm qua thuê nhà trọ: “Đ.M con mẹ chủ nhà, nó xem chứng minh thấy quê tao là nó chối đây đẩy. Đ.M nó, tức thế”. Tôi hiểu ông quê ở một vùng nổi tiếng “thiếu trung thực”. Nghe nói ở TPHCM dân tỉnh bạn của ông này đi xin việc cũng bị chủ không nhận vì quê ở một tỉnh hay bè phái… Thì ra, ngày nay muốn làm ăn lương thiện cũng trước hết cần phải là người tốt.