Khi làm các công việc sinh hoạt hàng ngày mà không có găng tay có thể khiến bạn bị dằm đâm vào da thịt. Những mảnh dằm tuy rất nhỏ nhưng sẽ gây cảm giác vô cùng khó chịu và nhức nhói. Mảnh dằm có kích thước rất nhỏ nên việc lấy ra khỏi tay cũng rất khó khăn.
Điều đầu tiên bạn cần làm là làm sạch khu vực nơi bị dằm đâm. Bạn có thể sử dụng xà bông dịu nhẹ và nước ấm để rửa vùng da xung quanh chiếc dằm. Bước này có thể giảm thiểu nguy cơ lây lan vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Không dùng cọ rửa khu vực bị dằm đâm quá mạnh vì hành động này có thể đẩy dằm vào sâu hơn. Sau khi rửa sạch, lau nhẹ nhàng khu vực bị dằm đâm bằng khăn mềm hoặc vải sạch.
Lấy dằm bằng nhíp
Trước khi áp dụng cách lấy dằm đâm vào tay bằng nhíp thì bạn cần khử trùng nhíp bằng cồn y tế. Nếu dằm nằm dưới lớp da, bạn có thể dùng kim đã sát trùng để rạch da và lật lớp da lên. Khi đã thấy đầu dằm, bạn dùng nhíp kẹp dằm ở chỗ gần bề mặt da, rồi nhẹ nhàng rút dằm ra theo chiều dằm đã đâm vào.
Lấy dằm bằng băng dính
Những chiếc dằm mỏng manh như gai hoặc sợi thủy tinh có thể lấy ra bằng băng dính. Bạn có thể dùng nhiều loại băng dính khác nhau như băng dính giấy, băng dính vải hoặc băng dính cách điện.
Hãy dán một miếng băng dính lên chiếc dằm và ấn mạnh xuống để băng dính dính vào dằm. Khi thực hiện động tác này cần đảm bảo ấn sao cho chiếc dằm không đi sâu hơn vào da, tránh ấn lên đầu đâm vào của chiếc dằm. Khi chắc chắn là chiếc dằm đã dính vào băng dính, hãy kéo băng dính ra theo chiều mà chiếc dằm đã đâm vào.
Lấy dằm bằng dấm
Cho dấm vào bát, nhúng vùng tay bị dằm đâm vào khoảng 10-15 phút. Cách này giúp dằm được đẩy trồi lên trên da, giúp bạn có thể gắp ra dễ dàng.
Lấy dằm bằng bình thủy tinh
Khi bị dằm đâm phải, việc bạn cần làm là chuẩn bị bình thủy tinh miệng rộng đổ gần đầy nước nóng. Sau đó, hãy ấn mạnh vùng da bị dằm đâm vào miệng bình. Áp suất của hơi nóng trong bình sẽ kéo miếng dằm tuột ra.
Nếu dằm đã ở trong da bạn tầm vài ngày và bạn thấy có dấu hiệu bị nhiễm trùng, hãy đi khám ngay để bác sĩ giúp lấy chúng ra. Trong trường hợp như vậy, tốt hơn là bạn không nên cố gắng tự mình loại bỏ ra, vì có thể vết xước sẽ phát triển thành uốn ván. Bác sĩ sẽ loại bỏ một cách an toàn, giúp băng bó vết thương và chữa lành nhiễm trùng.